THCL Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cơ chế và thủ tục phối hợp giữa cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chủ thể quyền vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

 

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Cần phối hợp chặt chẽ - Hình 1

Những bất cập, vướng mắc

Thực tế, một bộ phận DN, chủ thể quyền bị xâm phạm chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với cộng đồng, với sản phẩm của mình đang lưu thông trên thị trường. Nhiều DN chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng vì cho rằng “phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu”.

Nhiều DN, nhất là DNNVV thiếu nguồn lực trong việc điều tra, thu thập thông tin, thực hiện các giải pháp tự bảo vệ sản phẩm, các thủ tục khiếu kiện, khiếu nại...

Đối với các DN nước ngoài, hoạt động tại Việt Nam, việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng gặp nhiều hạn chế, nhất là việc phối hợp với các cơ quan thực thi. Chẳng hạn, QLTT gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ, phối hợp với các chủ thể quyền ở nước ngoài để kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả tại Việt Nam.

Về phía cơ quan thực thi, việc phối hợp với DN chủ yếu là các vụ việc riêng lẻ, mang tính chuyên đề, theo ngành hàng, hiệp hội còn ít. Công tác tuyên truyền, giáo dục về SHTT hiện nay mới chỉ tập trung nhiều cho các hoạt động hội nghị, hội thảo, quy mô còn khiêm tốn, chưa thật sự lan tỏa trong công chúng, DN. Việc công bố thông tin, kết quả xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT điển hình nhằm tăng cường nâng cao nhận thức công chúng về quyền SHTT chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu và tính thời sự.

Cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập, hạn chế tính chủ động của cả DN và cơ quan thực thi (khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực SHTT, cơ chế hỗ trợ, xã hội hóa, chế tài mâu thuẫn, xử phạt thấp chưa đủ sức răn đe...). Chưa kể, hiện có quá nhiều cơ quan thực thi, chức năng chồng chéo gây khó khăn cho DN trong việc phối hợp để bảo vệ quyền SHTT; nguồn lực, kinh phí, nhân lực của các cơ quan thực thi còn hạn chế...

Kết hợp nhiều giải pháp

Theo Cục QLTT, về cơ chế, chính sách pháp luật, cần rà soát, sửa đổi các chế tài xử lý vi phạm về SHTT theo hướng tập trung vào một văn bản pháp luật, các chế tài cần được điều chỉnh nhằm tăng tính răn đe, nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo mâu thuẫn...

Do đó, Chính phủ cần có cơ chế thuận lợi để các hiệp hội, DN tham gia nhiều hơn vào công tác chống hàng giả. Việc các DN, hiệp hội chủ động điều tra, phát hiện và hỗ trợ các cơ quan thực thi cần phải được khuyến khích và thể chế hóa.

Cần tinh giản, rút gọn đầu mối thực thi quyền SHTT. Các cơ quan thực thi cần tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT; triển khai các hoạt động phối hợp cần mang tính lâu dài, tính chuyên đề.

Hiện nay, kinh phí, trang thiết bị cho công tác chống hàng giả còn rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí giám sát thị trường, khảo sát, thu thập thông tin, điều tra, trinh sát, giám định, trang thiết bị chuyên dùng, kho bãi, kiểm tra, xử lý vi phạm… Vì vậy, thời gian tới, việc bố trí kinh phí, trang thiết bị cần phải được các cấp, ngành quan tâm.

Cục QLTT tăng cường phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội ngành… triển khai các hoạt động hỗ trợ DN trong công tác chống hàng giả. Các hoạt động phối hợp cần tập trung vào công tác tuyên truyền; chia sẻ thông tin; phối hợp hỗ trợ khảo sát, giám sát thị trường; phối hợp, hỗ trợ trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Lực lượng QLTT cần chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, DN và các cơ quan chức năng liên quan triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền phổ biến để người dân, DN nắm vững hơn các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả.

Các DN, nhất là DNNVV cần quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ quyền SHTT. DN nên tham gia và hình thành các liên minh, hiệp hội để việc hỗ trợ lẫn nhau và phối hợp với các cơ quan thực thi được tốt hơn, mang lại hiệu quả…

Hoàng Lộc