Cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục thuế nói riêng cần hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho DN. Tuy nhiên, Thông tư 39/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6 vừa qua, đã gây không ít phiền toái cho người nộp thuế.
Ngành thuế cần có những biện pháp quyết liệt để đẩy lùi tiêu cực
Doanh nghiệp bức xúc
Một kế toán có thâm niên than thở: Muốn mua hóa đơn, theo Thông tư mới, DN phải mang quyển hóa đơn cũ ra để cán bộ quản lý thuế kiểm tra, ký vào. Đương nhiên dễ tạo điều kiện cho cán bộ thuế hạnh họe, gây khó dễ. Việc này đã áp dụng cách đây 20 năm, sau đó bỏ, giờ áp dụng lại chẳng khác nào cải cách trong cái vòng luẩn quẩn?
Vậy nên mới có trường hợp DN phản ánh cả buổi sáng mua được quyển hóa đơn 20.000 đồng trong khi phải “lót tay” cán bộ thuế 50.000 đồng!
Từ đây, nhiều DN có chung băn khoăn: Sao không để cơ chế kê khai thuế qua mạng, giờ bắt qua cán bộ quản lý thuế, có phải đi ngược tiến trình thời đại ứng dụng công nghệ thông tin, kéo thêm nhiều thủ tục phức tạp? Có khi DN mất đến vài tuần mới xong thủ tục nộp thuế. Vì vậy, theo DN, việc dùng hóa đơn tự in bằng phần mềm trên máy tính là thuận lợi hơn cả.
Tuy nhiên, một trong những điều kiện tự in hóa đơn theo quy định tại Điều 6 Thông tư 39/2014/TT-BTC là “DN, ngân hàng có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn”. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định về vốn pháp định của ngân hàng, rõ ràng các ngân hàng đã được thành lập thì mặc nhiên đáp ứng điều kiện này. Đối với các DN, thì so với điều kiện trước đây chỉ là vốn điều lệ trên 01 tỷ đồng thì đây là mức thay đổi rất lớn. Phải chăng Thông tư mới đang ưu ái DN lớn, đè nén DN nhỏ?
Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại, nếu là DN thương mại, không tính đến tài sản cố định, như vậy không được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, DN không được khấu trừ VAT 10% đầu vào mà còn nộp 1% trên doanh thu bán hàng. Điều đương nhiên, DN không thể cạnh tranh nổi về giá.
Dẫu biết rằng, trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, đương nhiên phải sửa đổi chính sách nhằm giúp DN ổn định và có cơ hội phát triển. Nguyên tắc sửa đổi theo đúng chiến lược của Thủ tướng đã phê duyệt, phù hợp với tiến trình đi lên của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều DN lo ngại là quy định, thông tư cứ đưa ra một thời gian ngắn (vài tháng) lại thay đổi trong khi đã không thông thoáng hơn mà còn gây khó cho DN, DN nắm không kỹ thì bị phạt. Tại sao trước khi ra các văn bản sửa đổi, cơ quan thuế không làm bản dự thảo lấy ý kiến của số đông DN, cái nào có lợi thì làm? Nên chăng cần xem lại trình độ cán bộ, cách quản lý của ngành?...
Ngành thuế lúng túng
Trước câu hỏi Thông tư 39/2014/TT-BTC mang lại tiện ích gì cho DN? Cán bộ ngành thuế nhất quyết từ chối trả lời.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết: Thông tư 39/2014/TT-BTC do Vụ Chính sách ban hành. Không thể phủ nhận những vướng mắc của địa phương, DN, thậm chí của cả cơ quan thuế nhưng cán bộ thuế không cách nào khác phải thi hành theo chính sách. Đáng chú ý, Bộ Tài chính vừa có cuộc họp chỉ đạo định hướng sửa Thông tư này.
Sai thì phải sửa. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có kỷ luật người ban hành chính sách sai! Ở các quốc gia khác, khi ban hành chính sách sai, người đứng đầu có thể từ chức ngay nhưng ở Việt Nam lại phổ biến “văn hóa” đổ lỗi vòng quanh, cuối cùng không ai chịu nhận trách nhiệm!?
Mặt khác, ông Tiến nhấn mạnh: “Ngành thuế phải công khai, minh bạch, cán bộ cần tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, phải nâng cao trình độ, năng lực cán bộ thuế một cách chuyên nghiệp, chuyên sâu và liêm chính. Đặc biệt, phải ứng dụng được công nghệ thông tin vào quản lý thì mới tiết giảm chi phí, nguồn lực… đồng thời, tạo sự thông thoáng cho DN. Ngành thuế phải làm quyết liệt, tuy nhiên không phải một sớm một chiều thực hiện được. Bởi lẽ, việc tuyển dụng nhân sự áp dụng theo cơ chế chung, dù nhìn nhận được những sinh viên mới ra trường có năng lực tốt hơn nhưng do cả bộ máy từ trước tới nay đang vận hành trơn tru và đặc biệt, không thể phủ nhận công lao của những người đã đóng góp cho ngành thuế”.
Điều đáng nói, việc đề nghị in hóa đơn bằng phần mềm và có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước; DN sai sót kiên quyết xử lý, không thể có sức ép từ đâu đó đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều DN Nhà nước vi phạm, song do có cá nhân “tác động” dẫn đến không công bằng… Từ trước đến nay, công tác quản lý hóa đơn chưa nghiêm, nếu chúng ta làm nghiêm cả khâu chế tài lẫn khâu lợi ích thì sẽ hạn chế được tiêu cực, ông Tiến phân tích.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn: Thời gian nộp thuế chiếm tới hơn 500 giờ/năm; ngay cả việc mua được hóa đơn, người nộp thuế phải đi lại nhiều cơ quan, thậm chí nhiều trường hợp phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế… là không chấp nhận được!? Bộ trưởng nghiêm túc phê bình ngành thuế khi có nhiều DN, nhiều người nộp thuế chưa hài lòng với tác phong, lề lối, với thái độ của cán bộ thuế.
Những tồn tại, bất cập trên nếu không được giải quyết dứt điểm bằng những biện pháp quyết liệt, những hành động cụ thể, không chỉ gây khó khăn cho DN, mà còn gây mất niềm tin vào cơ quan thuế, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế đất nước.
Tại Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế với các chỉ tiêu cụ thể để đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu, đến cuối năm 2014 có 95% số DN tham gia vào kê khai thuế điện tử. |
Thanh Hà