Sáng 12/08, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm đốc thúc việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg.
Giải ngân tiền hỗ trợ còn chậm
Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH, tính đến nay, có 60/63 tỉnh, thành cả nước có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ (2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng thụ hưởng) hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Cụ thể, đã có 2.844.944 lao động tại 56.351 doanh nghiệp được đề nghị hỗ trợ, tổng kinh phí trên 1.883 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có trên 1 triệu lao động được nhận tiền hỗ trợ với số tiền hơn 728 tỷ đồng (đạt 11,23% so với dự kiến giải ngân gói 6.600 tỷ đồng).
Một số địa phương như Đồng Nai, Hải Dương… đã giải ngân gần hết đối tượng, do dự kiến ban đầu cao hơn so với thực tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân, là: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Ngoài 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân, còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang (0,08%), Hải Phòng (0,2%), Kiên Giang (0,23%), Bình Định (0,47%), rất nhiều tỉnh khác tỉ lệ giải ngân dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa…
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, nguyên nhân chậm giải ngân là do địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách chậm, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời…
Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú… kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.
“Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách…” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay.
Người lao động đang gặp phải khó khăn, rất mong chờ tiền hỗ trợ thuê nhà
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà là quyết định nhân văn, nhân ái, cần thiết.
Người lao động rất chờ đợi nhận khoản tiền hỗ trợ thuê nhà này nhưng tiến độ giải ngân gói chính sách này rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động, ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động.
Lấy dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng nêu, tại TP. Hồ Chí Minh, mức lương bình quân của công nhân dệt may là 6,8 triệu đồng/tháng và bình quân người lao động ở các khu vực công nghiệp, đô thị phải thuê nhà với chi phí trên dưới 1 triệu đồng/tháng (chiếm khoảng 20% mức lương và thu nhập).
“Người lao động đang gặp phải khó khăn chồng chất chưa kể con cái, học hành, chi phí sinh hoạt, điện nước... Hơn bao giờ hết, vấn đề đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là hết sức cần thiết. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của các ban, bộ, ngành liên quan" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ đã có trao đổi, yêu cầu kịp thời biểu dương từng đơn vị làm tốt, công khai danh sách tất cả các đơn vị còn đang làm chậm việc chi tiền hỗ trợ tiền thuê nhà, đồng thời làm rõ hơn nguyên nhân vì sao chậm, là do nhận thức, hồ sơ hay do trách nhiệm... Cũng trong sáng 11/8, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo đã xác nhận hồ sơ cho trên 3 triệu người đề nghị được hỗ trợ tiền thuê nhà.
Việc giải ngân thực hiện chính sách này có một lợi thế so với đợt giải ngân tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là đã có sẵn địa chỉ, số tài khoản của những người thụ hưởng. Vấn đề ở đây là địa phương băn khoăn về rủi ro nên chậm trễ giải quyết, cố tình khiến người lao động không được thụ hưởng chính sách trong thời điểm này.
Minh An (t/h)