Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.
Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Thủ tướng họp trực tuyến
Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.
Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau đó, Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không “than nghèo, kể khổ”. Nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu (thể hiện qua hàng loại gói hỗ trợ được đưa ra thời gian qua).
Sau đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt nêu rõ được những hỗ trợ nào khác đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói “toàn chuyện biết rồi”. Cụ thể, Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; Văn phòng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Với số lượng đại biểu lớn, Hội nghị sẽ diễn ra với tinh thần “tranh thủ từng phút, từng giờ”. Các ý kiến trình bày tại Hội nghị được giới hạn chỉ 5 phút (trừ 2 báo cáo chính và phát biểu của Thủ tướng).
Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ với mục đích lắng nghe ý kiến của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” để tháo gỡ rào cản, mở đường cho lực lượng này tiến lên. Có thể nói, nhờ các hội nghị đối thoại, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nền tảng và cảm hứng cho phong trào cải cách ở mọi cấp, ngành, mọi địa phương như hiện nay.
Theo VCCI, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ, ngành đã đạt 45%. Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành đã đạt khoảng 80%.
Hội nghị hôm nay, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được đẩy lùi ở nước ta, sẽ thôi thúc một tinh thần cách mạng, yêu nước của người dân và doanh nghiệp cũng như khẳng định với thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên.
PV