Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng hỗ trợ hơn 2 nghìn tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn: Do doanh thu thu phí giảm sâu so với phương án tài chính đang khiến dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền.
Theo đó, Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021–2025, để bảo đảm tính khả thi tài chính cho dự án; chi trả cho các hạng mục công việc: giải phóng mặt bằng các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông… để tháo gỡ khó khăn cho dự án do các yếu tố thay đổi khách quan so với dự báo ban đầu.
Khoản hỗ trợ này, theo UBND tỉnh Lạng Sơn là tương tự như chính sách mà Chính phủ đã và đang áp dụng tại một số dự án triển khai đầu tư theo hình thức PPP có vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ như: các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Được biết, dự án thành phần 1 có mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km 108+500, kết hợp tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn.
Tổng mức đầu tư dự án là 12.189 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ năm 2015 - 2019.
Ngoài dự án thành phần 1, tại dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn một cấu phần quan trọng là dự án thành phần 2 - xây dưng tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư là 8.743 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và nhà đầu tư (Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) đã thực hiện tốt chủ trương miễn, giảm phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Km 93+160, quốc lộ 1, tạo điều kiện tối đa cho chủ phương tiện trong phạm vi xung quanh trạm thu phí (bán kính đến 10 km, với tổng số 30 xã, thị trấn) thuộc địa bàn của 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn được hưởng chế độ miễn, giảm phí sử dụng đường bộ khi đi qua trạm.
Dự án chính thức thực hiện thu phí theo hình thức tự động không dừng từ ngày 27/12/2019 trên các làn ETC của trạm Km 93+160, quốc lộ 1.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa dự án thành phần 1 vào khai thác đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và biến động so với dự báo ban đầu tại phương án tài chính được duyệt đã dẫn đến thâm hụt doanh thu, không bảo đảm khả năng trả nợ ngân hàng.
Cụ thể, theo phương án tài chính ban đầu, để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí trong vòng 18 năm 3 tháng tại 2 trạm thu phí hở trên quốc lộ 1 đặt tại Km 93+160 và Km 24+900 và trên tuyến cao tốc thực hiện thu phí kín; tỷ lệ chiết giảm doanh thu do xét đến xe ưu tiên, xe sử dụng vé tháng, vé quý là 5%
Bên cạnh đó, lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 1 tại điểm cuối tiếp nối với dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được dự báo tại thời điểm cuối năm 2019 là 8.850 xe/ngày đêm. Tại thời điểm dự kiến đưa tuyến cao tốc vào khai tháng quý I năm 2020 thì lưu lượng xe dự báo cho cả 2 tuyến quốc lộ 1 và cao tốc là 22.590 xe/ngày đêm (tương ứng tốc độ tăng trưởng là 154%);
Tuy nhiên, trên thực tế, lưu lượng phương tiện thực tế trong giai đoạn vừa qua chỉ đạt khoảng 11.779 xe/ngày đêm (giảm khoảng 10.811 xe/ngày đêm, tương ứng giảm 48% cho cả 2 tuyến quốc lộ 1 và tuyến cao tốc so với dự báo ban đầu tại phương án tài chính được duyệt).
Bên cạnh đó, viêc giảm đi 1 trạm thu phí (Km 24+800) trên quốc lộ 1 nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, dẫn đến giảm nguồn thu trong suốt thời gian thu phí, ảnh hưởng đến tỷ lệ phân lưu giữa tuyến quốc lộ 1 và tuyến cao tốc, làm giảm lưu lượng trên tuyến cao tốc (người dân có xu hướng lưu thông trên tuyến quốc lộ 1, đoạn không phải trả phí, thay vì lưu thông trên đường cao tốc).
Nguyễn Kiên