Tại phiên Chính phủ cho ý kiến về Luật Dược sửa đổi sáng nay 21-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ý phê bình: Hiện giá thuốc vẫn còn cao lắm. Cứ để giá thuốc cao mãi thế này thì làm khổ dân lắm.

Sáng nay 21/3, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Dược sửa đổi.

Trình bày tờ tình dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá sau 8 năm luật thực thi, Bộ đã quản giá thuốc nhưng vẫn còn một số bất cập, hạn chế và bộc lộ yếu kém. Nếu để Bộ Y tế làm đầu mối như hiện hành thì không công khai, minh bạch “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khép kín và nói thật không đủ chuyên môn để quản lý.

“Tôi không đùn đẩy trách nhiệm mà đề nghị như vậy thì không giống các nước và khó khăn lại tái diễn. Cần thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc. Việc lập hội đồng cũng phù hợp với Luật Giá” - bà Tiến đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề xuất thêm: “Từ quy định của Luật Giá và cách thức quản lý của nhiều nước thì cần giao Bộ Tài chính phải làm đầu mối quản lý giá thuốc”.

Trước đề nghị này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại có quan điểm ngược lại và nhấn mạnh việc Bộ Y tế được giao quản lý giá thuốc trong 8 năm qua cho thấy giá dược có chỉ số tăng thấp so với rổ hàng hoá chung. Từ đó, ông Dũng đề nghị đầu mối chủ trì quản lý giá thuốc vẫn nằm ở Bộ Y tế.

Trước ý kiến trái chiều từ 2 bộ Y tế và Tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết điều 5 của dự luật quy định về quản lý giá thuốc là điều băn khoăn, vướng mắc nhất dẫn đến xây dựng dự luật chậm. 

“Quản lý thuốc ở Việt Nam quá nhiều vấn đề, tất cả dồn vào người bệnh chịu, đáng ngại là có cái người bệnh nhìn thấy được, có cái nhìn không ra từ tên, công dụng, giá…”- Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng khẳng định Luật Dược sửa đổi rất quan trọng và phải quyết tâm là có luật để đạt mục tiêu giá thuốc tăng lên.

Theo Phó Thủ tướng, báo cáo từ các đơn vị chức năng, qua khảo sát nhiều nước thì thấy họ áp dụng cơ chế liên ngành quản lý và ra quyết định về giá thuốc.  “Tuy nhiên, việc lập Hội đồng quốc gia quản lý giá thuốc phải nêu rõ bộ nào chủ trì quản lý. Theo tôi là Bộ trưởng Y tế vì cơ quan thuộc nhất về thuốc. Còn khi có vấn đề, trường hợp đặc biệt thì phải áp dụng quy chế liên ngành quyết định. Và liên ngành phải đồng thuận thì giá mới được tăng” - ông Vũ Đức Đam quả quyết.

Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng nên thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc do Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm chính trước quốc dân đồng bào.

Người bệnh vẫn phải sử dụng nhiều loại thuốc với giá cao bất hợp lý (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Tấn Thạnh

Đồng tình với việc thành lập Hội đồng quốc gia quản lý giá thuốc song Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phân tích giá thuốc có 2 yếu tố chính quyết định, đó là việc hình thành giá thuốc và “cung - cầu” - hệ thống phân phối. 

“Quản giá thuốc quan trọng hơn cả vẫn là kiểm soát cung - cầu, cụ thể là phải xây dựng và quản lý được hệ thống phân phối. Phải quản lý từ gốc, chứ không đi từ ngọn như trước đây. Vì vậy phải đi 2 chân để quản. Tôi thiên về ý thành lập Hội đồng liên ngành quản lý giá thuốc nhưng không quy rõ mà để Chính phủ quyết việc phân công” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước quan điểm còn khác nhau giữa các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngồi lại với nhau, bàn bạc xây dựng lại dự luật. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý quản lý giá chung phải do Bộ Tài chính, bộ phải đưa ra phương pháp định giá, quản lý giá. Bộ Y tế đưa ra các mức giá cụ thể, sau đó Bộ Tài chính thẩm tra, kiểm tra, giám sát theo nguyên tắc “người làm phải có người kiểm tra”.

“Tôi đồng ý lập hội đồng hay Ủy ban quốc gia quản lý giá thuốc nhưng phải có 1 đầu mối chịu trách nhiệm. Luật không cần quy định cụ thể mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể để tránh phải sửa đi sửa lại cho phù hợp với thực tế”- Thủ tướng yêu cầu. Ông nhấn mạnh thêm: Nguyên tắc nhà nước phải quản lý giá thuốc vì liên quan mật thiết, sát sườn đến toàn bộ người dân.

Nhìn nhận về tình hình quản lý giá thuốc hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê bình: “Hiện giá thuốc vẫn còn cao lắm chị Tiến (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - PV) ơi. Cứ để giá thuốc cao mãi thế này thì làm khổ dân lắm, mà giá cao có được trả giá đâu. Rồi ông bác sĩ kê thuốc cả bao nhiêu hàng thuốc trong, ngoài bệnh viện đi theo và người bệnh phải đến đó mua. Tôi còn nghe thuốc càng đấu thầu giá càng lên cao”.

Thủ tướng cũng nhắc nhở việc lưu thông thuốc phải quản lý chặt như nước ngoài mua thuốc không hề dễ. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư vào ngành dược. “Nhà nước là chủ đạo nhưng không đủ sức làm hết đâu. Cần cổ vũ bên xã hội dồn lực chế ra được gốc kháng sinh chứ hiện nay dễ nhất là bột sản xuất thuốc cảm cúm vẫn phải nhập là không được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo NLĐ