Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Sáng 18/7, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với các tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay nước ta đã kiểm soát được dịch COVID-19 hơn ba tháng nhờ những đối sách đúng, kịp thời và quyết liệt.

Tuy vậy, nền kinh tế các tỉnh, TP miền Trung - Tây Nguyên đã bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt về du lịch. Những địa phương mạnh về du lịch như TP Đà Nẵng, Khánh Hòa… đều tăng trưởng âm.

“Miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. Nếu để kinh tế 14 tỉnh, TP này đứt gãy thì rất khó khăn” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, miền Trung - Tây Nguyên có 14 tỉnh, TP nhưng có đến chín sân bay, 14 cảng biển, chín khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp. Vì vậy, không thể chấp nhận tình trạng trì trệ như hiện nay.

"Chính quyền các địa phương phải hòa cùng hơi thở, nhịp đập, tiếng nói để giải quyết việc làm, tạo niềm tin và khí thế mới trong giai đoạn đất nước khó khăn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho hay ở miền Trung có tỉ lệ giải ngân thấp là do các tỉnh chưa làm đến nơi đến chốn.

“Đối với các doanh nghiệp, các ngân hàng không than khó, kể khổ nữa mà hãy gặp gỡ, hiến kế và chia sẻ khả năng hợp tác với các địa phương. Các bộ, ngành khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho miền Trung - Tây Nguyên. Lãnh đạo các địa phương đưa ra những cam kết đồng hành với Chính phủ khắc phục những tồn tại yếu kém trong chỉ đạo điều hành” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng khẳng định: “Địa phương nào không tiêu hết tiền thì yêu cầu Chính phủ điều động. Địa phương nào cần tiền để phát triển thì Chính phủ mang tiền đến”.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH&ĐT sớm trình ra ngay đầu tháng 8 nội dung liên quan việc điều động vốn từ những nơi không tiêu hết sang những nơi cần tiền, để chuẩn bị cho những công trình hạ tầng miền Trung.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng KTTĐ miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng KTTĐ duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ.

Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP. Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỷ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng. Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong 6 tháng đầu năm thì ngành dịch vụ giảm 4,81%.

Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6/2020, giải ngân vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm trên 60%.

Tỷ lệ giải ngân trên 40% có 1 địa phương là TP. Đà Nẵng, từ 30-40% có 4 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên; tỷ lệ dưới 30% có Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các Vùng KTTĐ, không địa phương nào trong Vùng có tốc độ tăng trưởng âm.

Khu vực nông nghiệp của vùng là điểm sáng trong phát triển kinh tế với mức tăng bình quân 6 tháng cao hơn so với cùng kỳ 2019 và cao nhất so với các vùng trong cả nước. Với cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng chiếm 33% trong tổng GRDP của vùng, duy trì mức tăng trưởng cao của ngành trong quý II cao hơn quý I đã bù lại sự suy giảm của các ngành khác và duy trì phát triển chung của vùng.

Nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ giải ngân vốn cao hơn so với cùng kỳ và nhưng vẫn chưa đáp yêu cầu đặt ra, chỉ đạt hơn 31% và thấp mức bình quân cả nước, tổng vốn còn tiếp tục giải ngân 6 tháng cuối năm của vùng còn hơn 9.758 tỷ đồng, số vốn ngân sách Trung ương cần tiếp tục phân bổ chi tiết cho các dự án là 1.136 tỷ đồng.

Tâm An