Ô nhiễm không khí tại Hà Nội nhiều lần ở mức cảnh báo
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội nhiều lần ở mức cảnh báo.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1-6-2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định số 985a/QĐ-TTg).

Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg, đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I-2021. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV-2021.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường.

Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, trong đó có phương tiện giao thông điện trình Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; kịp thời hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp hiệu quả đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông.

Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản... Rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, nhập khẩu, cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 6-2021.

Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố, đáp ứng nhu cầu khi phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện; nghiên cứu, xây dựng quy định, quy chuẩn đối với than nhập khẩu (hàm lượng tro, hàm lượng lưu huỳnh tối đa cho phép) bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường; đề xuất chính sách khai thác, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu (lithium, coban…) phục vụ cho sản xuất pin của các phương tiện giao thông điện.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, biện pháp về kiểm soát bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong đô thị đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai việc thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích; tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không đốt phụ phẩm nông nghiệp và xử lý đúng quy định bảo vệ môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu theo hướng giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí phù hợp với lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; hỗ trợ, đầu tư nghiên cứu khoa học cho các hoạt động về quản lý và kiểm soát chất lượng không khí.

Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tác động, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí đến bệnh tật, sức khỏe cộng đồng và đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết tại các khu đô thị lớn, địa bàn tập trung nhiều nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí. Chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc quan trắc các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế.

Bộ Tài chính chủ trì rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chất lượng không khí, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí: Kịp thời thông tin, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí, các nguy cơ và tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng; sử dụng thông tin về chất lượng không khí do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trong cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao ô nhiễm không khí thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg.

Các địa phương tăng cường xử lý các cơ sở, hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1-10-2014 phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt ngay từ đầu năm 2021.

Bảo Lâm