Cụ thể, tại các cơ sở kinh doanh, còn tồn tại tình trạng bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về niêm yết giá hàng hóa; vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các dịp lễ hội, Lễ Tết, mùa du lịch...
Đặc biệt, hoạt động vận chuyển, tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại rất phức tạp, khó lường.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi và luôn có phương án để đối phó với các lực lượng chức năng tránh sự kiểm tra, kiểm soát; lợi dụng các tổ chức bưu chính, chuyển phát nhanh, giao hàng để vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả. Các phương tiện vận chuyển qua địa bàn tỉnh, hầu hết lưu thông trên tuyến đường cao tốc, gây khó khăn trong công tác phối hợp dừng và khám phương tiện.
Tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử, trên nền tảng số, sử dụng các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa, gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng.
Kiểm tra hàng hóa
Từ thực tế đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính trên địa bàn.
Qua đó, 6 tháng đầu năm, toàn lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra 483 vụ; xử lý 431 vụ (xử lý tồn đọng 12 vụ); tổng giá trị thực hiện 3.288,490 triệu đồng. Trong đó:
Xử phạt vi phạm hành chính 546,500 triệu đồng; bán hàng tịch thu 1.135,950 triệu đồng; trị giá tang vật chờ bán 217,7 triệu đồng; trị giá tang vật vi phạm buộc tiêu hủy 1.388,340 triệu đồng;
Thu nộp ngân sách 1.682,450 đồng, so chỉ tiêu Tổng cục giao năm 2023, đạt 56,1%; so kết quả thực hiện cùng kỳ 2022, số vụ tăng 75,6%, số tiền thu nộp ngân sách tăng 119,2%, trong đó số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng 44%...
Kiểm tra hàng hóa
Có nhiều vụ việc nổi cộm, như: Kinh doanh hàng nhập lậu, xử lý 13 vụ, trị giá hàng tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy 1.252,356 triệu đồng; buôn bán hàng giả và hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ 9 vụ, giá trị hàng tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy 54,160 triệu đồng; xử lý 373 đối tượng kinh doanh không niêm yết giá, hoặc niêm yết giá không đúng theo quy định, xử phạt 295,5 triệu đồng…
Đặc biệt, trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng, đã kiểm tra, xử lý các hành vi chiếm dụng vỏ chai LPG của Gas South; thẩm tra, xác minh thông tin phản ánh của người dân thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên huế (Hue-s) về việc Công ty TNHH Thương Mại Đức Gas và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tất Khánh, Công ty TNHH Tân Nhà Việt và Công ty TNHH Gas Lê Cường có dấu hiệu thao túng giá, tăng giá bán bất hợp lý…
6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trườngthực hiện 4 cuộc thanh tra chuyên ngành về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại Công ty TNHH Nông Phú; phối hợp với lực lượng thú y trực tại 2 chốt kiểm dịch động vật ở Phong Điền và Phú Lộc; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trong hoạt động; hoàn thiện Quy chế phối hợp với Cục Thuế về hóa đơn điện tử...
Bên cạnh những khó khăn về phát hiện thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại..., Cục Quản lý thị trường kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan để tăng cường hiệu quả trong hoạt động chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả:
Các chế tài xử lý vi phạm hành chính có một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật;
Quy định của Luật Bưu chính “các dịch vụ vận chuyển bưu chính chỉ chịu trách nhiệm trong việc vận chuyển hàng cấm theo Điều 12 và Khoản 9, Điều 29 - Luật bưu chính 2010”; đối với hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu chỉ xử phạt hành vi cố ý theo điểm a, Khoản 3, Điều 15 - Nghị định 98/2020.
Tuy nhiên, tại Công văn số 2934/BTTTT-BC hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bưu chính ban hành ngày 31/8/2018, Bộ thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn và thống nhất cách hiểu và áp dụng luật bưu chính trong đó Bộ tách rõ việc “Kiểm tra nội dung gói, kiện hàng” quy định tại khoản 3 Điều 29 - Luật bưu chính 2010 là “quyền” của doanh nghiệp bưu chính.
“Quyền” tức là có thể làm hoặc không làm, chứ không phải là “nghĩa vụ”, không mang tính bắt buộc thực hiện. Vì vậy, các đối tượng thường lợi dụng vận chuyển hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua đường bưu chính.
Việc xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ liên quan đến các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, đòi hỏi mất nhiều thời gian, trong khi các lực lượng chức năng chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về xử lý vi phạm hành chính dẫn đến không đáp ứng kịp thời, hoặc thậm chí không ban hành được quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định.
Một số lĩnh vực vi phạm hành chính, sau khi tịch thu hàng hóa, muốn lập phương án xử lý với hình thức bán đấu giá, thì phải xác định chất lượng sản phẩm và công bố hợp quy hợp chuẩn, nhưng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do cơ quan có thẩm quyền tịch thu không phải là nhà sản xuất.
Hoạt động thương mại điện tử là một loại hình mới, đang phát triển mạnh mẽ, giao dịch diễn ra trên không gian mạng, không gắn kết mua bán hàng hóa ở địa chỉ cụ thể, khiến việc xác minh và kiểm tra, xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả...
Minh Tích