Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, ông L.. một người có vai vế ở Huế cho biết, “Tối ngày 14/10/2021, ông và 2 người bạn thuộc hàng VIP có đến ăn đồ rừng ở Nhà hàng Sơn Hải 3, ngồi trong phòng. Hôm sau nghe Kiểm lâm đến bắt đúng ngày hôm đó, phát hiện động vật hoang dã ở đây mà giật cả mình. May mà chỉ kiểm tra bên ngoài, còn nếu vào phòng thì ê cả mặt…”
Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, để bắt quả tang, lập biên bản tại trận Nhà hàng Sơn Hải 3 có nuôi nhốt và làm thịt nhiều động vật rừng là cả một quá trình, sau gần một tháng theo dõi mật phục chứ không phải vào là “trúng quả” ngay.
Anh K.. , cán bộ Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dầu được thông tin từ lâu là hệ thống nhà hàng Sơn Hải trên địa bàn hay buôn bán thịt thú rừng nhưng mấy lần vào đều không có kết quả. Dù đóng giả khách vào kêu không bao giờ có mà phải là “khách VIP” quen mặt. Lần này, Chi cục Kiểm lâm thành lập Tổ kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản bao gồm cán bộ Chi cục Kiểm lâm, Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy... tiến hành mật phục, kiểm tra, xử lý thông tin và bất ngờ kiểm tra Nhà hàng Sơn Hải 3, thuộc Khu quy hoạch phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy mới “đánh trúng”.
Qua kiểm tra phát hiện nơi đây đang cất dấu 01 cá thể Kỳ đà vân (Varanus bengalensis), thuộc loại động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nhóm IB- đang bị nhốt trong lồng sắt cùng 2 cá thể cầy vòi hương. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện tại nhà hàng này dự trữ 16kg thịt heo rừng, 1 cầy vòi mốc đã chết, 1 cầy vòi hương còn sống, 1 cá thể don còn sống và một số cá thể động vật hoang dã khác.
Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết thêm, đây là một trong chuỗi các hoạt động được Dự án CARBi 2 - WWF hỗ trợ để triển khai chiến dịch thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thật ra ở Huế, không riêng chi hệ thống Nhà hàng Sơn Hải mà khá nhiều nhà hàng khác nổi tiếng về buôn bán các đặc sản thú rừng như H.L phường Thuỷ Xuân, VPV thị xã Hương Thuỷ, nhiều hàng quán ở xã Thuỷ Bằng, Bình Điền, Bình Thành… nhưng chưa bị phát hiện và đối tượng thưởng thức không phải là những nông dân tay lấm chân bùn mà phải thuộc hàng “đại gia” “VIP” có chức quyền….
Một lần, được mời đến Nhà hàng VPV trong thời gian đại dịch, tình cờ gặp người quen làm ở một sở cấp tỉnh cũng đang là khách của một doanh nghiệp bất động sản. Anh lôi tôi vào giới thiệu với những “chiến hữu” đang là chủ chi ở trong phòng và ở đây tôi đã choáng khi thấy nằm “chình ình” trên bàn là một chú Tê tê java (Tên khoa học là Manis javanica), tiếng địa phương còn gọi là con trút, động vật quý hiếm thuộc nhóm IB có trọng lượng 4kg. Anh bạn khoe có giá khoảng 30 triệu, làm được rất nhiều món, riêng vảy tê tê về phơi khô, hạ thổ, xay mịn chữa… bá bệnh. Tôi không biết, ngon và thần dược đến đâu nhưng nhìn con tê tê nằm gọn trong mâm thấy lòng mình đầy trắc ẩn nên bỏ về liền không dám cả cụng ly.
Một lần khác, theo chân một anh bạn Việt kiều ở Mỹ về, đến chơi nhà người bạn làm ở một cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Nhà ở trong một con hẽm ở đường Lý Thường Kiệt, TP Huế. Nhà đang có bạn khá đông, đủ chức quyền, ngành nghề. Nghe mùi riềng, sả thơm món “giả cầy”, biết tôi không ăn được thịt chó, anh nói liền “Chỉ giả cầy thôi, chứ không phải cầy đâu…”. Anh nói tiếp “Món này cả đời ông chưa bao giờ được ăn mô. Ăn cho biết”. Thấy hấp dẫn, tôi sà xuống uống chén rượu, gắp một miếng thịt đưa vào miệng còn nóng hôi hổi. Thịt béo ngậy nhưng có mùi hơi tanh, anh bạn cho biết “Nhận ra thịt con gì chưa?”. Tôi nói “bó tay”. Anh cho biết “Con beo đó”… Nghe nói, tôi giật cả mình, không cho ai biết, chạy ra sau nôn thốc, nôn tháo dù chỉ mới uống một cốc rượu nhỏ… và trốn về luôn.
Về sau tìm hiểu mới biết, con beo này bị mắc bẫy ở khu vực biên giới huyện A Lưới với nước bạn Lào. Khi Bộ đội Biên phòng phát hiện thì con beo đã chết nên họ làm thủ tục báo các cơ quan có trách nhiệm và mang chôn. Nghe nói, sau đó có nhóm người dân đi rừng biết chuyện nên đào trộm, lấy một phần đùi mang bán và mấy anh em ở đây có người mua lại đem về mời “chiến hữu”… nhậu…
Không riêng chi ở Thừa Thiên Huế, vì nghề nghiệp nên tôi đi khắp các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Ở đâu, chỉ cần “gợi ý” là tôi có ngay bữa tiệc thịt rừng. Huế thuộc hạng “ít” lên các tỉnh Tây nguyên như Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia lai… nhiều nhất là Kon tum hầu như rất nhiều địa chỉ bày bán thịt thú rừng. Loại động vật hoang dã thông thường như chim cò, gà rừng… quí hiếm như rắn hổ mang, tê tê, chồn hương, heo rừng, cáo, chim cu xanh, Voọc Chà vá… đều có, vấn đề là TIỀN. Mới đây ngày 18/10/2021, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) đã phát hiện 5 cá thể Voọc Chà vá chân xám quý hiếm (tên khoa học là Pygathrix Cinerea) được xếp hạng bảo vệ mức nguy cấp, bị một số đối tượng dùng súng săn tự chế bắn chết trên địa bàn là một ví dụ.
Thật ra nước ta không thiếu văn bản luật bảo vệ động vật hoang dã. Từ năm 1994, nước ta đã ký kết và trở thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm (Công ước CITES). Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã điểm những tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, Bộ luật Hình sự quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này.
Điều này chứng tỏ thái độ hết sức nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Tuy nhiên qua thực tế, chúng tôi cho rằng biện pháp dù mạnh đến đâu nhưng ý thức của người dân chưa cao, vẫn xem động vật hoang dã là “đặc sản”, là món ăn VIP nhằm thể hiện mình, là “thần dược” thì thú rừng nói riêng, động vật hoang dã nói chung vẫn còn bị săn bắt, giết hại, còn lên… mâm. “Có cầu ắt có cung”, vì vậy khi và chỉ khi cán bộ, đảng viên, những người có chức quyền, người lắm tiền… nói “không” với thịt thú rừng, chấm dứt những bữa tiệc “chén chú, chén anh” động vật hoang dã thì lúc đó mới không còn người săn bắt, lùng sục, tận diệt loài động vật quí hiếm này.
Trần Minh Tích