Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến nay có 25 chi nhánh Ngân hàng thương mại; 01 chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội, 01 Ngân hàng phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, 07 Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND), 11 chi nhánh loại 2 thuộc Agribank Huế, 93 phòng giao dịch, 141 điểm giao dịch tại xã, phường của Ngân hàng CSXH tỉnh, 1.045 điểm giới thiệu dịch vụ của 09 Công ty tài chính tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn huy động (VHĐ) toàn địa bàn đạt 55.620 tỷ đồng, tăng 4,38% so với đầu năm, tương ứng tăng 2.335 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 63.287 tỷ đồng, tăng 22,02% so với cuối năm 2020 (tương ứng tăng 11.420 tỷ đồng). Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp (nợ xấu cuối năm 2021 giảm gần 300 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 50% so với cuối năm 2020).
Nguyên nhân… thắng lớn, theo phân tích, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất – kinh doanh. Trong đó, lãi suất huy động được kiểm soát ổn định; Các tổ chức tín dụng đã tiết giảm chi phí, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tập trung vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện có hiệu quả các biện pháp tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, làm tốt việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn; tích cực thông tin, tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi đang áp dụng tại các chi nhánh tổ chức tín dụng…. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất đặc biệt ưu đãi, hỗ trợ nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với đó, các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”,.. cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh quan tâm, chú trọng
Năm 2022, ngành ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Đầu tư tín dụng tăng khoảng 14%; Tỷ lệ nợ xấu đảm bảo ở mức an toàn (dưới 3%). Tăng cường quản lý hoạt động QTDND; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh vàng, ngoại tệ; thực hiện tốt công tác thu, chi tiền mặt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về số lượng và cơ cấu tiền mặt lưu thông. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tín dụng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tích cực giải pháp giảm lãi suất cho vay, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, để chuyển tải các thông điệp của NHNN Việt Nam nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận về việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng…
Tuy nhiên trao đổi bên ngoài hội nghị, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, Hợp tác xã… còn có ý kiến cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay ở ngân hàng vẫn còn một số vướng mắc gây khó cho doanh nghiệp; việc gia hạn, ân hạn, đáo hạn ngân hàng do khó khăn vì dịch bệnh chưa phải thuận lợi. Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp thì có nhưng một số cán bộ thực hiện thì tạo ra những khó khăn không đáng có… Chính vì vậy nên vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh… phải “vay nóng” các tổ chức tín dụng đen bên ngoài dẫn đến nhiều hệ luỵ; do tiêu cực hay trình độ nghiệp vụ nên một số qui trình, thủ tục vay vốn bị xem nhẹ, bỏ qua dẫn đến tranh chấp giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra…
Thấy rõ những hạn chế này, ông Phan Quý Phương phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu đề nghị: NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp hiệu quả và quyết liệt, nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng tới tất cả các thành phần kinh tế của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.
Trần Minh