Kỳ 1: Di sản là động lực
Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về Thừa Thiên Huế xác định: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Việc xác định này, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cho rằng “…đã thật sự mở ra cơ hội lớn cho Thừa Thiên Huế trong việc khơi dậy, phát huy tiềm năng lợi thế về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế để xây dựng, phát triển”. Phó Bí thư đã lượng hóa giá trị di sản của Huế: Huế tự hào là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và nhân loại với 07 di sản được UNESCO công nhận, gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa của cả nước; có hệ thống nhà vườn, nhà rường phong phú, đa dạng; có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ như sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang, Vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô vịnh đẹp thế giới… cùng với hệ thống đền đài, thành quách, chùa chiền, cung điện đã tạo nên nét đặc trưng riêng và là yếu tố nổi bật của đô thị Huế. Và ông kết luận “Văn hóa Huế, con người Huế là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển của tỉnh”.
Để đạt được mục đích đó, những năm qua Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực, cả hệ thống chính trị đều tập trung vào mục đích chung là đưa cả tỉnh lên Thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra những chỉ tiêu sát hợp, dựa vào nội lực là chính và đạt được những thành công nổi trội. Điều đó đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thừa nhận khi vào làm việc với Thừa Thiên Huế tháng 7/2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu lại một số chỉ tiêu mà Thừa Thiên Huế đạt được trong 03 năm qua, như tốc độ tăng trưởng kinh tế 2021-2023 ở mức cao; thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh; tăng thu ngân sách đến 12%/năm, tỉnh cũng hướng đến cân đối ngân sách vào năm 2025; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt; hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch; giải ngân đầu tư công có sự nỗ lực lớn;... Về mặt đầu tư, kết cấu hạ tầng, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đã tạo ra điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, là công tác cải cách hành chính của Thừa Thiên Huế đã đạt được những chỉ số tích cực…
Từ những đánh giá trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận định “Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị".
Lợi thế như vậy nhưng Thừa Thiên Huế không hề chủ quan. Những bài học trước đó đã cho thấy bước “trưởng thành” trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương phải dựa vào nội lực là chính và những cơ chế chính sách đặc biệt mà Bộ Chính trị đã dành cho Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng trao đổi với báo chí: Nhìn nhận thực lực chúng ta thấy, quy mô nền kinh tế của Thừa Thiên Huế còn nhỏ, thu ngân sách còn thấp chưa tự cân đối thu chi; năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp so với bình quân cả nước. Du lịch là thế mạnh nhưng còn ở dạng tiềm năng; công nghiệp, xây dựng phát triển chưa mạnh; năng lực sản xuất mới chưa có các sản phẩm mang tính đột phá; nông nghiệp sản xuất còn nhỏ lẽ, phân tán….. Vì vậy, khi xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thừa Thiên Huế là phải bám sát định hướng “xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.
Đó là động lực nhưng cũng là thách thức đặt ra cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình phát triển thành phố trực thuộc Trung ương là phải làm sao để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; giữ được các thương hiệu mà Thừa Thiên Huế đã dày công xây dựng và định vị.
Để phát triển đúng định hướng, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương cho biết, Thừa Thiên Huế phát triển dựa vào 03 trụ cột: “Giá trị di sản cố đô, du lịch; khoa học, y tế, giáo dục chất lượng cao và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế”
Được biết, đến nay, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập Thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV đã được trình Bộ Xây dựng thẩm định. Các quy hoạch, đề án quan trọng khác đang được UBND tỉnh tập trung ưu tiên chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Xác định Di sản là động lực để Thừa Thiên Huế tập trung các nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, quyết tâm sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng được Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định: "Chúng tôi luôn ý thức sâu sắc rằng, di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả quốc gia. Vì vậy, quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế luôn đặt nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản lên hàng đầu. Việc xây dựng đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển là nhu cầu và là yếu tố quan trọng, cần thiết mà bất cứ địa phương nào cũng hướng tới và tập trung đầu tư".
Kỳ 2- Tăng trưởng từ nội lực
Trần Minh Tích