Thực hiện các nguyên tắc chế biến TPAT - phòng chống hiệu quả ngộ độc thực phẩm - Hình 1

kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm trước khi chế biến

Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi là ngộ độc thức ăn. Đó là khi người bị ngộ độc đã ăn, uống phải những loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...

Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng. Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn khiến tinh thần người bệnh mệt mỏi, thậm chí là tử vong khi không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân gây ngộ độc rất đa dạng như do ký sinh trùng, do thức ăn bị biến chất, ôi thiu, ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc (cá nóc, cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm), nhiễm các chất hóa học (do kim loại nặng, do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, do phụ gia thực phẩm.

Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ…

Không sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng so với ban đầu. Không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ. Người dân cần mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín, mở vung khi đun nấu…

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần phải loại bỏ nhanh chóng hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, tiếp theo là kích thích cơ học vào cổ họng bằng ngón tay chặn xuống lưỡi cho đến khi nôn được. Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn  không cho chất độc thấm vào máu.

Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo nhẹ.

Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.

Thực phẩm luôn có một ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người, hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn và các biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

 

Linh Tuệ