Theo ThS Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng nên khó kiểm soát về chất lượng và các tiêu chí an toàn. Đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm. 

Nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể - Hình 1

 Kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu CN Bắc Thăng Long

Trên cơ sở xác định tầm quan trọng của loại hình dịch vụ ăn uống bếp ăn tập thể là đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong các khu công nghiệp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian qua, Sở Y tế và Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có quy chế phối hợp hoạt động trong công tác đảm bảo sức khỏe cho người lao động tại nhà máy trong các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố. Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và xây dựng các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trong đó có việc đề cao vai trò của ban lãnh đạo công ty, tổ chức công đoàn và đại diện của người lao động.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp và chế xuất. Qua kiểm tra cho thấy, có 2 hình thức dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp là đơn vị có bếp ăn tập thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống (chiếm 80%) và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên (chiếm 20%). Nhìn chung, bếp ăn tập thể các khu công nghiệp đã thực hiện tốt các tiêu chí như: 100% được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên tham gia chế biến thực phẩm được khám sức khỏe, có giấy xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện xét nghiệm nước định kỳ theo quy định; chú trọng đến xây dựng quy trình bếp ăn một chiều, lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực các bước theo quy định; có hợp đồng mua bán, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm.

Nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể - Hình 2

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh các tiêu chuẩn ATTP

Mặc dù, có nhiều chuyển biến, song công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố còn gặp không ít khó khăn, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn. Nguyên nhân là người quản lý bếp ăn tập thể còn chủ quan, kiến thức về lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, một số cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi chế biến đến nơi sử dụng dài, phương tiện vận chuyển không bảo đảm cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng. Hiện nay, giá thực phẩm ngày càng tăng nhưng giá cả suất ăn dành cho công nhân ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất còn thấp, dao động trong khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Đó là lý do khiến nhiều cơ sở nấu ăn phải lựa chọn nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng.

Nỗ lực phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay từ đầu mùa hè, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm. Yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể. Cục An toàn thực phẩm cũng Sđề nghị các địa phương xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Các nhà máy trong khu công nghiệp và khu chế xuất cần chăm lo cho bữa ăn của công nhân, coi sức khỏe của người lao động là tài sản của đơn vị, tăng cao định mức khẩu phần suất ăn, cần thường xuyên thực hiện công tác tự giám sát các điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể và nơi cung ứng thực phẩm.

Đề cập đến giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất phải thường xuyên cập nhật danh sách các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể để nhắc nhở họ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát an toàn thực phẩm với những đơn vị có bếp ăn tập thể, với nhà thầu cung cấp suất ăn. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ làm cầu nối cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch với các bếp ăn tập thể và tiếp tục nghiên cứu các mô hình quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cho phù hợp với tình hình hiện nay.

PV