Theo đó, vận động ít nhất 50% hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới và các phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vận động toàn dân thực hiện ATTP từ người tiêu dùng đến các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm
Trong quý II/2018, MTTQ Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan giám sát một số quận, huyện, xã phường, thị trấn về an toàn thực phẩm. Ủy ban MTTQ cấp huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô vừa trên địa bàn. Thông qua giám sát kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, sản xuất và sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do việc thực hiện an toàn thực phẩm có liên quan đến nhận thức của người dân, nhất là những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền an toàn thực phẩm đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong thời gian qua, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Thành phố, một số quận, huyện đã thực hiện tốt việc tuyên truyền như huyện Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm. Trong đó, riêng hệ thống MTTQ huyện Hoài Đức năm 2017 đã tổ chức 8 lớp tập huấn, đồng thời lồng ghép với các hoạt động của khối đoàn thể cho gần 1.300 hội viên.
Cùng với đó, công tác tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của nhân dân đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được tăng cường. Năm 2017, Đoàn giám sát do Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội chủ trì đã giám sát tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua giám sát đã phát hiện một số cách làm hay, cần sớm được nhân rộng. Điển hình như quận Hoàn Kiếm xây dựng và triển khai đề án “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2017 – 2018”. Đến hết năm 2017, qua thẩm định, có 69 trong số 80 cơ sở đạt tiêu chí về bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc. Việc xây dựng đề án này góp phần tích cực trong thu hút khách du lịch trên địa bàn.
Huyện Thanh Trì cũng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để thay đổi nhận thức người dân. Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì cho biết, toàn huyện có 6.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhưng đến nay các cơ sở này cũng đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Với những cơ sở kí mà không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã xử phạt hành chính hơn 5.000 lượt, phát hiện 721 lượt cơ sở vi phạm.
Để công tác tuyên truyền thật sự đạt hiệu quả, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền an toàn thực phẩm trong các cuộc họp dân. Trong đó, những thắc mắc của bà con đều được cán bộ mặt trận giải đáp thỏa đáng. Ở cấp thành phố, Ủy ban MTTQ Thành phố phối hợp với Sở Y tế ban hành bộ tờ rơi 10 quy tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn; 10 tiêu chí an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố; 10 tiêu chí an toàn thực phẩm đối với kinh doanh cửa hàng ăn uống; phòng ngừa, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm; những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm để phát cho nhân dân. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất và người tiêu dùng, không sản xuất và sử dụng những sản phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
PV