Người Cor không sản xuất được chiêng nhưng họ đã có công rất lớn thổi hồn vào chiêng, biến chiêng trở thành một nhạc cụ độc đáo trong đời sống cộng đồng của người Cor. Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền đất nước có rất nhiều dân tộc biết đánh chiêng nhưng duy nhất về đấu Chiêng thì chỉ có ở dân tộc Cor.
Tôi cùng ông Hồ Văn Thế, Nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, một người chính gốc dân tộc Cor, đã có nhiều chuyến công tác về các bản làng Cor, nhưng lần nào cũng vậy, hễ dân làng có lễ hội có đâú chiêng là ông Thế ở lại với bà con suốt cả ngày lẫn đêm. Ông kể cho tôi nghe thời ông mới lên 5-7 tuổi, ông thường theo cha mình đi lễ hội xem đấu chiêng. Ông mê chiêng từ thuở nhỏ. Ông nói với tôi đấu chiêng của người Cor là nghệ thuật văn hóa của người Cor. Nhiều cô gái Cor say mê các chàng trai Cor ở trò chơi đấu Chiêng và họ đã nên duyên chồng vợ nhờ đấu chiêng .Tìm hiểu về môn nghệ thuật này, tôi càng hiểu thêm người Cor rất giàu bản sắc văn hóa và rất nghệ sĩ . Chính nét đẹp truyền thống này, đã tạo cho ông Thế niềm đam mê xem đấu chiêng từ thuở xa xưa.
Đấu chiêng tiếng Cor gọi là Topcheck. Không biết trò đấu Chiêng của đồng bào Cor có từ khi nào, chỉ biết rằng đấu chiêng của người Cor thường xuất hiện trong các lễ hội ăn trâu, tết ngã rạ hoặc các lễ hội khác. Đấu chiêng của người Cor thể hiện cả trí lực và thể lực. Những trai làng khỏe mạnh, tài trí nhanh nhẹn mới được già làng chọn vào đội tham gia đấu chiêng . Người Cor sống ở vùng đường nước, gần song, suối có cách đấu chiêng khác với người Cor sống ở vùng đường rừng, gần núi cao rừng sâu. Đấu chiêng của người Cor có 03 nhân vật chính gồm: Người chơi trống, chiêng đực tượng trưng cho chiêng chồng và chiêng cái gọi là chiêng vợ. Mở đầu cho tiết mục đấu chiêng là người chơi trống, sau đó là chiêng chồng và cuối cùng là chiêng vợ. Trống sử dựng trong đấu chiêng như trọng tài trong một trận đấu. Tiết tấu trống mở đầu bao giờ cũng chậm thong thả sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục dồn dập hơn. Đấu chiêng của người Cor giống như hình thức thi thố xét chọn người người tài năng có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật đánh chiêng. Người đánh chiêng đực và chiêng cái thể hiện rõ tài năng ứng tác của mình. Sự phân định thắng, thua trong đấu chiêng cũng được các già làng nêu rõ. Người nào có khả năng về nghệ thuật đấu chiêng là người có những ứng tác nhanh nhẹn kịp thời còn người nào sử dụng chiêng theo một điệu đánh không có hồn, âm thanh tiết tấu lặp đi lặp lại thì được xem là bị thua. Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An, làng Trà Dòn, thôn 2 xã Trà Thủy cho biết: Ngày xưa trong lễ hội ăn trâu, tết ngã rạ bà con đồng bào Cor trong làng thường tổ chức đấu chiêng theo tư thế ngồi đánh còn bây giờ tư thế khác xưa là đứng đánh. Hai bên đứng đối diện nhau, tay đeo chiêng, tay cầm dùi gõ, di chuyển theo nhịp chiêng khi tiến khi lùi, khi lắc mông khi ngoéo chân vào nhau, còn người ở giữa thì đeo trống vào cổ, dùng tay vỗ nhịp di chuyển theo. Nhịp điệu chiêng nhanh hay chậm tùy thuộc ở sự hứng khởi của người đánh chiêng và người chơi trống. Người chơi đấu chiêng thể hiện tình cảm của mình thông qua nét mặt và di chuyển bước chân, thân hình lắc lư liên tục. Thăng hoa nhất là khi họ nhảy múa cùng hòa vào giai điệu tiếng chiêng. Nét đặc trưng tạo nên sự hấp dẫn của đấu chiêng là sự ngẫu hứng và sáng tạo. Chính những nét đẹp này, đã tạo nên sự hứng khởi cao độ cho người xem. Ông Hồ Văn Nghĩa xã Trà Thủy,Trà Bồng Quảng Ngãi cho biết : Thời trai trẻ trong lễ hội làng Cor ông thường cùng các trai làng thi đấu chiêng. “Đấu Chiêng vừa vui vừa rèn luyện được thân thể, đôi tay chắc khỏe, lao đông nương rẫy không biết mệt mỏi… Bây giờ già rồi không thi đấu chiêng được, mỗi lần xem thấy các trai làng thi đấu già vui lắm…”
Trong một lần làm việc gần đây với các nhà báo về công tác bảo tồn văn hóa cổ truyền dân tộc Cor, anh Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thể thao huyện Trà Bồng cho biết: Bảo tồn nói thì dễ nhưng làm thì khó quá. Những năm qua huyện cũng đã có nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa đấu chiêng nhưng kết quả đem lại chưa cao nguyên nhân chủ yếu là do nhiều thanh niên ở các bản làng Cor chưa thật sự say mê với môn nghệ thuật này, nghệ nhân chỉ dạy đấu chiêng trong huyện còn rất ít, kinh phí cho bảo tồn thì hạn hẹp …
Trước hiện tượng ngày càng có nhiều thanh niên dân tộc Cor không không mấy mặn mòi với tiếng chiêng thì ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng lại xuất hiện một nghệ nhân say mê sưu tầm và chỉ dạy đấu chiêng, đó là nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên.Trong vài năm gần đây, hàng ngày ở các bản làng Cor người ta thường thấy nghệ nhân Hồ Văn Biên, vai vác chiêng, chân len lỏi băng rừng vượt suối động viên lớp trẻ trong làng ra lớp học đấu chiêng. Tôi hỏi nghệ nhân Hồ Văn Biên xuất phát từ đâu mà nghệ nhân lại say mê với công việc dạy đấu chiêng? Nghệ nhân cười vui trả lời. Mình biết đấu chiêng từ nhỏ, lời chiêng là hồn của dân tộc Cor. Mình không chỉ dạy mai mốt con cháu dân tộc mình không biết đấu chiêng thì buồn lắm…Từ suy nghĩ như vậy cho nên nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên ngày đêm cần mẫn truyền lửa đam mê đấu chiêng cho lớp trẻ.
Đấu chiêng của người Cor Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi là một nét đẹp văn hóa hiếm có. Nếu được bảo tồn phát huy đấu chiêng sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất quể người Cor Trà Bồng. Trong vài năm gần đây, ngành văn hóa Quảng Ngãi và huyện Trà Bồng, đã đem nét đẹp văn hóa này, đi biều diễn khắp nơi trong và ngoài nước được đông đảo người xem động viên cổ vũ. Tháng 08/2019 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Đấu Chiếng người Cor là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ ngày đấu chiêng người Cor tỉnh Quảng Ngãi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể, vùng đất quế Trà Bồng có nhiều đoàn khách đến tham quan tìm hiểu. Thương hiệu “Đấu Chiêng” người Cor đang thu hút khách du lịch trong và nước đến với miền đất quê người Cor, Trà Bồng, Quảng Ngãi .
Trần Đình Quang