Nhìn từ thương hiệu hàng đầu trong ngành phát hành sách Việt Nam
Giới thiệu trên website chính thức của công ty CP Phát hành sách TP. HCM: https://fahasasg.com.vn/tam-nhin-su-menh/: từ 2005 đến nay, FAHASA đã nhất quán và thực hiện thành công chiến lược xuyên suốt là xây dựng, phát triển Hệ thống Nhà sách chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Tính đến tháng 06/2021, theo thông tin giới thiệu trên website chính thức của FAHASA thì hệ thống có 120 nhà sách trên cả nước. Bên cạnh hệ thống gần 20 Nhà sách được hình thành từ năm 1976 và được phân bổ rộng khắp trên phạm vi TP. HCM, FAHASA đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1 trong kế hoạch phát triển mạng lưới ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc với thành tựu: Gần 80% các tỉnh thành miền Nam và miền Trung đều có mặt ít nhất một Nhà sách FAHASA. Một số tỉnh thành lớn đã có mặt Nhà sách thứ 2, thứ 3 của FAHASA như: Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội…
Tiếp tục định hướng hoạt động chuyên ngành và thực hiện chiến lược phát triển mạng lưới, từ năm 2013 – 2020 FAHASA phát triển mạnh hệ thống Nhà sách tại các tỉnh thành phía Bắc. Hiện nay, Nhà sách FAHASA đã có mặt tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa.
FAHASA dự kiến sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là hệ thống Nhà sách hàng đầu Việt Nam và nằm trong Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam (tính cho tất cả các ngành hàng).
Website của FAHASA cũng thông tin về Dự án xây dựng Trung tâm sách tại TP. HCM với diện tích 5.000m² đến 10.000m², gồm đầy đủ các loại hình hoạt động về sách, phấn đấu xây dựng phong cánh kinh doanh hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực. FAHASA sẽ là kênh tiêu thụ chính của các Nhà xuất bản, các Công ty Truyền thông Văn hóa và là đối tác tin cậy của các Nhà cung cấp trong và ngoài nước. Đồng thời FAHASA giữ vũng vị trí Nhà nhập khẩu và kinh doanh sách ngoại văn hàng đầu Việt Nam.
Sứ mệnh “ Mang tri thức, văn hoá đọc đến mọi nhà”!
FAHASA được giới thiệu là Thương hiệu hàng đầu trong ngành Phát hành sách Việt Nam, ngay từ thời bao cấp cho đến thời kỳ kinh tế thị trường, đổi mới, hội nhập quốc tế, Công ty FAHASA luôn khẳng định vị thế đầu ngành và được đánh giá cao trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa, trước hết là văn hóa đọc của nước nhà. Là doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, Công ty FAHASA có vai trò và vị thế trong việc giữ vững định hướng tư tưởng văn hóa của Nhà nước, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu đọc sách của Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và cả nước; thể hiện toàn diện các chức năng kinh tế – văn hóa – xã hội. Thông qua các chủ trương và hoạt động như: Duy trì một số Nhà sách ở các tỉnh có nền kinh tế chưa phát triển, công trình Xe sách Lưu động FAHASA phục vụ bạn đọc ngoại thành tại các huyện vùng sâu, vùng xa, định kỳ tổ chức các Hội sách với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau… chứng minh rằng, FAHASA không chỉ quan tâm đến việc kinh doanh mà còn mang đến mọi người nguồn tri thức quý báu, góp phần không ngừng nâng cao dân trí cho người dân ở mọi miền đất nước, thể hiện sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh doanh và hoạt động phục vụ xã hội của FAHASA.
Hiện nay, Công ty FAHASA đã và đang ngày càng nỗ lực hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục góp phần vào sự nghiệp phát triển “văn hóa đọc”, làm cho những giá trị vĩnh hằng của sách ngày càng thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, nhằm góp phần tích cực, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và xã hội Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền văn hóa, kinh tế tri thức của thế giới.
Cần hoàn thiện hệ thống để bảo đảm quyền lợi của khách hàng
Tuy nhiên, trái với những sứ mệnh mà FAHASA đã giới thiệu trước đó, phóng viên Thương hiệu và Công luận "mục sở thị" thì phát hiện, sản phẩm, hàng hóa bày bán tại nhiều nhà sách FAHASA trên địa bàn Hà Nội, không tem nhãn phụ Tiếng Việt, thiếu nguồn gốc, xuất xứ...
Cụ thể, mục sở thị tại nhà sách FAHASA Vạn Phúc, có địa chỉ tại Trung tâm Thương mại Aeon Mail Hà Đông, Hà Nội, ngày 03/11/2022 bên cạnh việc bán nhiều hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ, tem mác phụ đầy đủ thì theo ghi nhận của PV Thương hiệu và Công luận tại nhà sách FAHASA Vạn Phúc tại Aeon mall còn bán nhiều sản phẩm Made in China nhưng đều 3 không thông tin trên sản phẩm gây khó khăn cho người tiêu dùng…
Theo đó, trên hàng loạt sản phẩm đồ chơi, đồ văn phòng phẩm, đồ trang trí... chỉ ghi những dòng chữ tượng hình gần giống chữ Trung Quốc, thông tin duy nhất ghi bằng Tiếng Việt là giá của sản phẩm. Mọi thông tin về nguồn gốc, xuất xứ đều không có.
Việc bày bán các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc như trên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vì chiều theo sở thích của con vẫn nhắm mắt mua những sản phẩm đồ chơi "không thông tin" như thế: "Bọn trẻ thích rồi cứ đòi mua nên tôi cũng mua cho cháu, thực ra vì chủ quan nghĩ hàng được bán trong nhà sách lớn nên tôi nghĩ nó khá an toàn" chị T.H. chia sẻ.
Chính vì tâm lý "nhà sách lớn bán đồ chơi khá an toàn" nên nhiều bậc phụ huynh đã chiều theo sở thích của con mà mua không xem kỹ sản phẩm.
Tiếp tục ghi nhận tại nhà sách FAHASA Thăng Long Tầng 2, TTTM Vincom Mega Mall Smart City, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào ngày 10/11/2022 bên cạnh những sản phẩm chính hãng, đầy đủ tem nhãn thì PV cũng ghi nhận được rất nhiều sản phẩm Made in China thiếu tem nhãn phụ, ngoài phần giá được dán bằng chữ số Tiếng Việt thì hầu hết trên sản phẩm là chữ Trung Quốc …
Ngày 12/11/2022, PV tiếp tục ghi nhận thực tế tại nhà sách FAHASA Hà Đông có địa chỉ tại tầng 3 siêu thị Coop mart, Km10, Nguyễn Trãi, P.Mộ Lao, Q.Hà Đông, Hà Nội mặc dù nhà sách này bày bán rất nhiều sản phẩm đúng theo quy định về tem nhãn xuất xứ nhưng theo ghi nhận của PV vẫn còn tồn lại nhiều sản phẩm ba không hoặc dán tem nhãn để cho có, những chiếc tem mờ nhạt bị mất chữ, thiếu thông tin khiến người tiêu dùng khó tiếp cận thông tin về hàng hóa.
Những chiếc xe đồ chơi bằng nhựa được bán tại FAHASA Hà Đông chỉ được dán giá thành sản phẩm Tiếng Việt ngoài ra không có thêm bất kỳ thông tin nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu hay đơn vị phân phối sản phẩm.
Một số nghiên cứu cho thấy, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc đồ chơi không qua kiểm định bị coi là nguy hiểm vì chúng thường sản xuất từ nhựa tái chế được bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (phthalic acid esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Do cơ thể trẻ rất nhỏ nên khi ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển cả thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của các bé. Ngoài chất độc trên, các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được phát hiện chứa lượng lớn thành phần kim loại nặng, cực độc hại đối với con người như chì, crôm, mangan, thủy ngân, cadimi... Khi ở nhiệt độ cao hoặc sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, các chất độc hại này có thể bị phát tán ra ngoài và trực tiếp xâm nhập vào cơ thể bé thông qua da, miệng, hô hấp. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với món đồ chơi kém chất lượng lâu dài có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận.
Nhận thấy rõ tác hại của đồ chơi không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN. Theo Quy chuẩn này, các loại đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường. Theo đó, đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Sự thiếu hụt tem nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chuỗi nhà sách FAHASA trên địa bàn Hà Nội khiến nhiều người tiêu dùng đặt dấu hỏi về nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng sản phẩm. Vậy tại sao có những sản phẩm có tem nhãn phụ đầy đủ, nhưng lại có những sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo đúng quy định?
Theo quy luật quy định, Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nội dung của nhãn phụ như sau: Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP như sau: a) Tên hàng hóa; b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; c) Xuất xứ hàng hóa; d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Theo đó, trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin như: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ; Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có).
Dù đã được pháp luật quy định rõ ràng về nội dung in trên hàng hóa nước ngoài nhưng tại nhiều chuỗi cửa hàng của FAHASA tại Hà Nội vẫn bày bán nhiều sản phẩm tem nhãn phụ sơ sài, thiếu thông tin trầm trọng gây hoang mang cho dư luận.
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.
Điều 10 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP có yêu cầu nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả!
Khánh Yên
Bài 2: Hàng hoá "ba không" vi phạm nguồn gốc xuất xứ nằm trên kệ chuỗi nhà sách FAHASA từ thời gian nào?