Với tiềm năng và lợi thế sẵn có đến 2015, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ đạt 60 tỷ USD, với Campuchia là 5 tỷ USD và với Lào là 2 tỷ USD, tăng bình quân trên 10%/năm.
Chợ Đồng Văn (Quảng Ninh), nơi diễn ra các hoạt động thương mại biên giới khá sôi động. Ảnh: báo Quảng Ninh
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng Ban chỉ đạo thương mại biên giới (TMBG) Vũ Huy Hoàng tại hội nghị: “Giao ban công tác ban chỉ đạo TMBG” diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội.
Nhiều cơ hội giao thương
Việt Nam có chung 4510 km đường biên giới với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trải dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam. Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; có 28 Khu kinh tế cửa khẩu của 21/25 tỉnh biên giới đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và mạng lưới gần 300 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động. Với vị trí địa lý ráp ranh với nhiều đường biên giới các nước nên những năm qua hoạt động TMBG giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới đất liền ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Thương mại biên giới các tỉnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới giai đoạn từ 2008 đến hết 9 tháng đầu năm 2013 đạt 72 tỷ USD, tăng bình quân trên 10%/năm; năm 2012 đạt 13,1 tỷ USD tăng 27% so với năm 2008 và chiếm trên 5% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Cùng với sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế- thương mại với các nước có chung biên giới, hoạt động thương mại biên giới góp phần hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên 60 tỷ USD, Việt Nam - Lào lên 02 tỷ USD, Việt Nam - Campuchia lên 05 tỷ USD vào năm 2015.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo TMBG cho biết, những năm qua hoạt động thương mại biên giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trên thị trường góp phần phục vụ tốt hơn sản xuất cư dân biên giới cũng như sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điển hình là các Khu kinh tế cửa khẩu cả nước hiện đã thu hút được gần 70 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 700 triệu USD và khoảng 500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng.
Các Khu kinh tế cửa khẩu đã trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế- thương mại của vùng biên giới. Theo đó, hàng năm hoạt động trao đổi, mua, bán hàng hóa tại các Khu kinh tế cửa khẩu ngày càng sôi động, số lượng DN và hộ gia đình đăng ký kinh doanh tăng nhanh qua các năm, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao và cải thiện đời sống nhân dân các tỉnh vùng biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Vẫn còn những bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động TMBG thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển. Tại hội nghị nhiều đại biểu đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc thường gặp tại địa phương mình. Điển hình là việc quản lý, điều hành hoạt động TMBG mang tính đặc thù nhưng chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế chung về xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế nên chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các tỉnh biên giới.
Trong khi đó, các văn bản pháp luật về hoạt động TMBG nhiều nhưng chưa bao quát, còn chồng chéo, không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động thương mại của DN.
Ngoài ra, do chính sách thương mại của các nước có chung đường biên giới thường xuyên thay đổi nên hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới của Việt Nam thường không chủ động có lúc bị gián đoạn. Ông Nguyễn Văn Bình, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay thực trạng tái xuất hàng hóa chủ yếu diễn ra tại các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan bị tồn đọng hàng hóa nên đã gây thiệt hại không nhỏ cho DN Việt Nam.
Chưa kể, tại các cửa khẩu, lối mở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế như thiếu hệ thống kho, bãi và các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn, một số tuyến đường còn đang trong quá cải tạo nâng cấp nên việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, chi phí cao đã không thu hút DN tham gia được hoạt động xuất nhập khẩu TMBG.
Hay như việc kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nông sản, thủy sản qua cửa khẩu phụ, lối mở có nơi chưa thường xuyên; một số tuyến biên giới mở thêm nhiều điểm thông quan hàng hóa phụ nên việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật vô đã gây khó khăn không nhỏ trong việc bố trí nhân lực và cơ sở vật chất để kiểm dịch, giám định..
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ đạo TMBG cho biết, sẽ sớm xem xét, trả lời các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh biên giới để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động TMBG. Đồng thời Bộ sẽ tiếp tục cùng các Bộ ngành khác tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù của TMBG nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế vùng biên cũng như góp phần bảo vệ an ninh biên giới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, thời gian tới các địa phương cần phát huy lợi thế sẵn có, thế mạnh vùng biên như khuyến khích mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các DNVVN tham gia vào hoạt động TMBG với các phương thức mua bán, trao đổi và thanh toán linh hoạt hơn.
Tuyết Hoa