Ở thời điểm hiện tại, Thuỵ Sỹ là quốc gia châu Âu duy nhất chưa có quy định về đăng ký chủ sở hữu ở cấp độ quốc gia.
Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính Thuỵ Sỹ đã công bố danh sách các biện pháp cải cách, theo đó yêu cầu những chủ sở hữu cuối cùng của các quỹ uỷ thác và doanh nghiệp phải công khai minh bạch danh tính. Qua đó, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý của nước này.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là điều cấp thiết, bởi chính sách hiện tại của Thuỵ Sỹ khá “lỏng lẻo” để giới tài phiệt và tội phạm toàn cầu có thể lợi dụng, nhằm che giấu quyền sở hữu tài sản thông qua các định chế và chuyên môn tài chính của quốc gia trung tâm châu Âu.
Thuỵ Sỹ, quốc gia với dân số chỉ khoảng 8,7 triệu người, là trung tâm số 1 thế giới cho việc cất giữ tài sản ở nước ngoài.
Theo ước tính, hiện có khoảng 2.400 tỷ USD tài sản nước ngoài được cất giữ trong các ngân hàng Thuỵ Sỹ. Do đó, cộng đồng tài chính Thuỵ Sỹ đóng một vai trò to lớn trong việc mở và quản lý các quỹ uỷ thác cùng với hệ thống cất giữ tài sản ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Dù có uy tín cao trên trường quốc tế về các tiêu chuẩn tài chính, nhưng điều không thể phủ nhận là hệ thống tài chính của nước này vẫn còn nhiều “khoảng trống”.
Từ lâu, Thuỵ Sỹ luôn là điểm đến ưa thích cho tài sản của giới siêu giàu Nga, tuy nhiên việc này lại ảnh hưởng đến uy tín của nước này trong mắt các khách hàng châu Âu giữa bối cảnh căng thẳng địa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này, đã khiến Thuỵ Sỹ chịu áp lực khi liên tục nhận về yêu cầu phải siết chặt các biện pháp kiểm soát tài chính có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Không chỉ vậy, đại sứ các nước G7 cho rằng, hệ thống pháp lý của Thuỵ Sỹ đã tạo cơ hội cho Nga “lách” khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đề xuất cải cách mới được công bố - đánh dấu lần thứ hai trong vòng 3 năm trở lại đây, Thuỵ Sỹ cải tổ luật chống tội phạm tài chính của nước này. Hệ thống mới về đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của tất cả các thực thể doanh nghiệp và quỹ uỷ thác đặt ở Thuỵ Sỹ, sẽ không mở cho công chúng. Thay vào đó, hệ thống này chỉ mở cho các cơ quan giám sát, Chính phủ, cảnh sát, các ngân hàng được cấp quyền và luật sư làm công tác thẩm định chuyên sâu.
Trong đề xuất mới còn có các biện pháp thắt chặt nghĩa vụ đối với luật sư, kế toán và các nhà cung cấp dịch vụ khác ở Thuỵ Sỹ. Việc thắt chặt quy định này đòi hỏi họ có sự thẩm định chuyên sâu về khách hàng, lưu trữ hồ sơ, và báo cáo các hành vi nghi vấn rửa tiền lên nhà chức trách.
Các quy định mới vẫn chưa chính thức trở thành luật. Trong hệ thống chính trị dựa trên đồng thuận của Thuỵ Sỹ, một thời kỳ tham vấn với các đảng chính trị, các chính quyền bang, và các tổ chức dân sự, bao gồm các tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng lớn của giới ngân hàng và luật sư sẽ được tiến hành. Việc tham vấn sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, trước khi dự luật chính thức được đưa ra trước Quốc hội Thuỵ Sỹ vào năm tới.
Các nhà phê bình cảnh báo, các biện pháp cuối cùng được đưa vào thực thi, có thể bị giảm nhẹ hơn nhiều so với đề xuất ban đầu. Thậm chí, ngay trong đề xuất đã gợi ý rằng, việc tuân thủ các quy định mới là vấn đề “tự điều tiết” đối với các nhà cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp.
Hà Trần (T/h)