Từ 1/12/2023, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ cần báo cáo về từng giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương.
Từ 1/12/2023, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ cần báo cáo về từng giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương

Điểm đáng chú ý tại Thông tư quy định, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền (thuộc Ngân hàng Nhà nước) từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương. Quy định này, cũng được áp dụng với chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam, trị giá từ 1.000 USD trở lên, hoặc bằng ngoại tệ khác có giao dịch tương đương.

Tuy nhiên, việc báo cáo sẽ được ngoại trừ trong trường hợp đây là tổ chức tài chính trung gian trong giao dịch tiền điện tử.

Nội dung thông tin báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử tối thiểu được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chi tiết. Cụ thể như sau:

Thông tin về tổ chức tài chính khởi tạo và thụ hưởng, thông tin báo cáo gồm tên giao dịch của tổ chức hoặc chi nhánh giao dịch; địa chỉ trụ sở chính (hoặc mã ngân hàng đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, mã SWIFT đối với chuyển tiền điện tử quốc tế); quốc gia nhận và chuyển tiền;

Thông tin về khách hàng là cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có); quốc tịch (theo chứng từ giao dịch);

Thông tin về khách hàng là tổ chức tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (nếu có); địa chỉ trụ sở chính; số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; quốc gia nơi đặt trụ sở chính.

Thông tin về giao dịch gồm số tài khoản (nếu có); số tiền; loại tiền; số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (nếu loại tiền giao dịch là ngoại tệ); lý do, mục đích giao dịch; mã giao dịch; ngày giao dịch…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử. Theo đó, đối tượng báo cáo thiết lập đường truyền, kết nối mạng truyền tin với Ngân hàng Nhà nước thông qua Cục Công nghệ thông tin để gửi báo cáo, thông tin về phòng, chống rửa tiền; báo cáo dữ liệu điện tử được truyền qua đường truyền, mạng truyền tin quy định tại điểm a khoản này. Báo cáo dữ liệu điện tử, phải theo đúng định dạng dữ liệu, cấu trúc file theo hướng dẫn của cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền.

Đối tượng báo cáo được phép thực hiện chuyển tiền điện tử phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để quét, lọc theo danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị

Đặc biệt, đối tượng báo cáo phải gửi báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trước 16 giờ ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày phát sinh giao dịch. Nếu ngày gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, hoặc ngày nghỉ cuối tuần, thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.

Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15, được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023 thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, có nhiều điểm mới được cho là sẽ tăng hiệu lực kiểm soát phòng, chống rửa tiền.

Mai Anh