Theo thống kê được cập nhật liên tục của Đại học John Hopkins, số người nhiễm virus toàn cầu đã lên đến 1.684.833, trong đó 102.136 người đã tử vong. Mỹ vẫn dẫn đầu về số ca nhiễm - 492.240, với 18.350 người chết, trong khi Italy dẫn đầu về số người chết - 18.849, trong tổng số 147.577 ca nhiễm.
Đến 6h00 ngày 10/4, số trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam là 257 trong đó đã có 144 trường hợp bình phục, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ là 24.869; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 2.685.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo có thêm 50 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên 2.473 và số ca tử vong lên 33.
Ngày 10/4, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) thêm hai tuần, đến ngày 28/4, sau khi nước này ghi nhận tổng cộng 4.346 ca mắc COVID-19, trong đó 68 người đã tử vong. Còn theo Bộ Y tế Indonesia, ngày 10/4, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 219 trường hợp mắc COVID-19 mới và 26 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện là 3.512 và 306 người tử vong.
Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca tử vong do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 199 ca và tổng số ca được xác nhận mắc bệnh này là 6.412 ca. Trên toàn khu vực Nam Á, số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 12.000 người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều thiệt hại về người nhất do dịch COVID-19, với 18.644 ca tử vong - lần đầu tiên vượt qua Italy, trong khi số bệnh nhân đang là 501.272 người, với 27.239 ca đã hồi phục.
Hiện Tổng thống Trump đang nỗ lực khôi phục lại nền kinh tế Mỹ sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp chặt chẽ trong xã hội để hạn chế khả năng lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông cũng đối diện với các cảnh báo về khả năng bùng phát lại đại dịch nếu sớm dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội.Thống kê tại một số nước, bao gồm Italy, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh, cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn 10%.
Sau Mỹ, Tây Ban Nha hiện là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới, hơn 158.273 ca. Điểm tích cực là số ca mắc bệnh mới và ca tử vong trong ngày ở nước này đang theo chiều hướng đi xuống. "Đường cong dịch" tại Tây Ban Nha đã lên tới đỉnh điểm với trên 8.200 ca nhiễm virus trong một ngày vào 28/3, sau đó đang có xu hướng giảm dần, ngày 10/4 là 5.051 ca. Cùng ngày, số ca tử vong mới là 634, thấp nhất trong 17 ngày qua.
Trong ngày 10/4, nước Anh có đến 980 bệnh nhân thiệt mạng. Đây không chỉ là con số tử vong trong ngày cao nhất tại Anh từ trước đến nay mà còn là con số cao nhất châu Âu từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại châu lục này, vượt qua cả kỷ lục của Italy hôm 27/3 là 969 nạn nhân thiệt mạng.
Tổng cộng, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh đã lên tới 8.958 người, cao thứ 5 thế giới. Số ca nhiễm bệnh mới cũng ở mức gần 6.000 ca và tổng cộng đã có trên 66.000 người nhiễm bệnh.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật về dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tiếp tục kêu gọi người dân Anh tuân thủ tối đa các quy định và chấp nhận hy sinh trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần này.
Ngày 10/4, Italy có thêm 570 ca tử vong và 3.951 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số lên 147.577 ca bệnh, trong đó 18.849 người đã tử vong. Có 30.455 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này. Theo sắc lệnh mới, các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo trẻ em, giặt là và một số hoạt động sản xuất có thể mở cửa trở lại sau ngày 14/4.
Giới chức y tế Bồ Đào Nha đã xác nhận thêm 1.516 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ đồng hồ qua. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 15.472 ca. Số ca tử vong tăng thêm 26 người lên 435 ca. Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo số bệnh nhân COVID-19 tử vong hiện là 805 ca, tăng so với 756 ca một ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh cũng tăng từ 23.574 ca lên 24.308 ca. Còn Hà Lan đã ghi nhận thêm 1.335 ca mắc COVID-19 và 115 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân lên con số 23.097 ca và 2.511 bệnh nhân đã qua đời.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.786 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 11.917. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Nga đã tăng thêm 18. Như vậy, tính tới nay, Nga đã ghi nhận 94 người tử vong do COVID-19. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người mắc COVID-19 trong ngày cao nhất với 1.124 trường hợp, đưa tổng số ca bệnh tại thành phố này lên con số 7.822 người.
Tại Iran, Bộ Y tế nước này ngày 10/4 thông báo đã ghi nhận thêm 122 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 4.232 người. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại nước này cũng tăng thêm 1.972 lên 68.192. Iran là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng lớn nhất từ dịch COVID-19, nhưng nước này cũng đã ghi nhận 35.465 người khỏi bệnh.
Các nước châu Mỹ tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới như Ecuador (tăng thêm 515 ca), Chile (thêm 426 bệnh nhân mới), Mexico (thêm 260 ca mới). Đặc biệt một bộ tộc trong rừng sâu Amazon có ca nhiễm đầu tiên. Đó là một thiếu niên 15 tuổi, bộ tộc Yanomami tử vong do COVID-19 ở miền bắc Brazil. Bệnh nhân nhập viện một tuần trước đó. Ngôi làng nơi bệnh nhân sinh sống được cho là lây bệnh từ những người khai thác mỏ trái phép trong rừng
Quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương là một trong số ít những nơi không có ai mắc COVID-19 tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, người dân ở đây đều đang nhận thức rất rõ về sự khó khăn nếu đại dịch lan tới, đặc biệt khi phải cùng lúc đối mặt với một cơn bão.
Vanuatu, với dân số chỉ khoảng 300.000 người, cách Australia 1.800km - là một trong số ít các quốc gia trên thế giới không có trường hợp nào được xác nhận nhiễm COVID-19. Các quốc gia cùng khu vực châu Đại dương như Palau, Quần đảo Solomon, Tonga và Samoa hiện cũng đang được bảo vệ trước đại dịch nhờ sự biệt lập như vậy. Nhưng cũng chính sự xa xôi, thu nhập thấp cùng cơ sở hạ tầng y tế yếu kém có thể đặt các quốc gia này vào tình thế nguy hiểm nếu virus xâm nhập.
Một báo cáo nghiên cứu của Đại học Liên hợp quốc có trụ sở tại Nhật Bản cho hay nếu không có những sự hỗ trợ, giúp đỡ xã hội từ chính phủ các nước thì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể sẽ phá hủy toàn bộ những tiến triển đạt được trong chống đói nghèo hơn của 30 năm qua, và khoảng 40% những người nghèo mới sẽ đến từ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Trang Nguyễn