Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Indonesia dịch bệnh chưa hề thấy dấu hiệu hạ nhiệt và hiện nước này đang dẫn đầu toàn khu vực về số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực có đến 7 nước ghi nhận các ca mắc mới. Campuchia ghi nhận thêm một ca dương tính sau nhiều ngày bình yên.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.935 người dân ở khu vực này, tăng 44 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 134.854 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 75.708 trường hợp.
Singapore vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc cao nhất. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.
Trong 1 ngày qua, Indonesia ghi nhận 1.051 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 47.896 ca.
Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết số người tử vong vì dịch bệnh tăng thêm 35 người, lên tổng số 2.535 người. Indonesia là quốc gia có số ca tử vong vì dịch bệnh cao nhất tại khu vực Đông Á, không tính Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát.
Ngày 23/6, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 1.150 ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này.
Đây cũng là mức tăng trong ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Philippines.
Theo thông báo của bộ trên, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Philippines hiện đã lên mức 31.835 ca, trong đó có 1.186 ca tử vong, tăng 9 ca so với một ngày trước đó.Khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Brazil (34.558 ca), Mỹ (34.492 ca) và Ấn Độ (15.612 ca); trong khi các nước Brazil (1.242 ca), Mỹ (853 ca), Mexico (759 ca) và Ấn Độ (468 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, nhất là Iran và đặc biệt tại Ấn Độ nơi số ca mắc mới và tử vong đang tăng mạnh mỗi ngày.
Trên bình diện khu vực, Mỹ Latinh đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm chóng mặt trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico... Brazil là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Tại Mỹ, chính quyền bang Louisiana thông báo bang này sẽ không bắt đầu giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế như kế hoạch ban đầu. Theo đó, giai đoạn 2 hiện tại sẽ kéo dài thêm 28 ngày để làm chậm đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Anh ngày 22/6 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 15 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Anh kể từ ngày 15/3 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Anh đã tăng lên 42.647 ca. Trong vòng 24 giờ tính đến sáng 22/6, Anh cũng ghi nhận thêm 958 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 305.289 ca.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố thêm một số nới lỏng đối với lệnh phong tỏa tại khu vực England từ ngày 4/7. Giãn cách xã hội sẽ được rút ngắn còn 1m, thay vì 2m như hiện nay. Các quán rượu, nhà hàng và tiệm làm tóc được mở cửa trở lại, nhưng phải tuân thủ theo quy định giãn cách xã hội.
Các nước Liên minh Châu Âu (EU) đang cân nhắc việc cấm nhập cảnh với người Mỹ vì Mỹ đã không kiểm soát được đại dịch virus corona, New York Times đưa tin từ Brussels hôm 23/6, trích dẫn danh sách dự kiến các nước có thể nhập cảnh.
Mỹ, nước có nhiều ca nhiễm virus corona nhất thế giới và đang trải qua một đợt lây nhiễm mới, sẽ đứng chung với các điểm nóng số 2 là Brazil và Nga, theo đề xuất mà phóng viên New York Times đã xem được.
Tại Bồ Đào Nha, chính quyền thông báo một số biện pháp hạn chế hoạt động để phòng chống COVID-19 sẽ được tái áp đặt tại thủ đô Lisbon từ ngày 23/6. Các biện pháp này bao gồm hạn chế tụ tập quá 10 người, yêu cầu đóng cửa các cửa hàng và quán cà phê sau 20h.
Ngày 22-6, Liên hiệp Thổ dân khu vực Mỹ la-tinh (PIR) công bố báo cáo cho biết, trong tổng số hơn 800 dân tộc thổ dân bản địa tại khu vực này, ít nhất 163 dân tộc đã bị nhiễm Covid-19, với hơn 800 ca tử vong. Các cộng đồng thiểu số này đang đối mặt ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, thậm chí một vài trong số đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ngày 22-6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghê-brây-ê-xút kêu gọi các nước tìm cách bảo đảm cân bằng giữa việc phòng, chống dịch bệnh đồng thời hạn chế những thiệt hại về kinh tế - xã hội. Ông hối thúc các nước cần thận trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp để người dân được an toàn đồng thời duy trì cuộc sống bình thường.
Ngày 22-6, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ð.Man-pát cho biết, sáng kiến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giãn nợ cho các nước nghèo đã đạt được tiến bộ. Theo đó, G20 sẽ giải phóng 12 tỷ USD cho các quốc gia đối phó dịch Covid-19. Ông Man-pát kêu gọi khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào sáng kiến trên nhằm bảo đảm cuộc khủng hoảng kinh tế không làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo.
Trang Nguyễn