Liên tiếp các thành phố của Afghanistan thất thủ trước Taliban chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, trong đó có cả Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 của Afghanistan, cũng như Lagor – thủ phủ tỉnh cùng tên chỉ cách thủ đô Kabul 50km.

Binh sỹ quân đội Afghanistan tại Herat. Ảnh: TNS
Binh sỹ quân đội Afghanistan tại Herat. Ảnh: TNS.

 Trong khi đó, các cuộc đàm phán ở Qatar vẫn chưa có bước đột phá nào. Đại diện Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Nga đã kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình và dừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào các thành phố của Afghanistan, đồng thời tái khẳng định các nước sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào ở Afghanistan “được thiết lập bằng cách sử dụng vũ lực”.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn đang có những tính toán riêng để đảm bảo lợi ích của mình một cách thực dụng.

Chuẩn bị khả năng công nhận Taliban?

Bắc Kinh hiện vẫn công khai gây sức ép để Taliban tiếp tục đàm phán để hướng tới một thỏa thuận hòa bình với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani. Tuy nhiên, US News dẫn các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã chuẩn bị để công nhận tính hợp pháp của Taliban nếu lực lượng này trở lại kiểm soát quyền lực ở Afghanistan.

Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Taliban đã kiểm soát được một số vùng lãnh thổ chủ chốt kết nối với biên giới Trung Quốc.

Các đánh giá tình báo và quân sự mới của Trung Quốc về tình hình trên thực địa ở Afghanistan khiến giới lãnh đạo nước này chuẩn bị chính thức hóa mối quan hệ với Taliban.

Theo US News, điểm mấu chốt có thể nằm ở việc Taliban cam kết không chứa chấp bên trong lãnh thổ Afghanistan bất cứ phần tử Hồi giáo cực đoan nào có kế hoạch tiến hành các cuộc nổi dậy ở các khu vực phía Tây Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Tân Cương.

Mặt khác, Trung Quốc muốn có sự ổn định ở Afghanistan để thu được lợi ích từ các khoản đầu tư kinh tế trước đó vào quốc gia Nam Á này, bao gồm cả quyền khai thác khoáng sản ở Afghanistan. Trong khi đó, Taliban gần đây đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư của Trung Quốc cũng như kiểm soát các cửa khẩu biên giới của Afghanistan.

Theo ông Tyler Jost, Giáo sư tại Đại học Brown, chuyên nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc, với tình hình này, những gì Trung Quốc chuẩn bị cho mình là một nước đi thực dụng.

“Nếu bạn nhận thấy khả năng có một chính phủ mới, điều thực dụng nhất là đặt ra các điều kiện để nếu những người đó nắm quyền thành công, bạn có thể nhận lại những nhượng bộ từ họ”, giáo sư Jost nói.

Chính phủ Afghanistan là lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc?

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn SCMP mới đây, Đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc Javid Ahmad Qaem cho rằng, chính phủ Afghanistan là lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tăng cường sức ép với Taliban.

Theo ông Qaem, có 2 cách Trung Quốc có thể thực hiện để gây áp lực nhiều hơn đối với Taliban nhằm ngăn chặn bạo lực tại Afghanistan.

“Thứ nhất, Trung Quốc phải thể hiện rõ với Taliban rằng cách nhóm này muốn kiểm soát đất nước Afghanistan và những gì họ đang tiến hành trên thực địa sẽ không được chấp nhận. Thứ hai, nhiều báo cáo cho thấy Taliban nhận được sự hỗ trợ từ Pakistan. Trung Quốc có mối quan hệ rất tốt với Pakistan. Chúng tôi tin rằng Trung Quốc có thể tận dụng điều này để thuyết phục Pakistan ủng hộ một Afghanistan hòa bình và Islamabad sẽ được hưởng lợi từ hòa bình ở Afghanistan”, Đại sứ Afghanistan Qaem cho biết.

Đại sứ Qaem cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần đề xuất làm trung gian hòa giải xung đột ở Afghanistan, cam kết hợp tác cùng Pakistan và đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, nhưng hiện Bắc Kinh vẫn chưa có giải pháp đáng kể nào được đưa ra.

Theo Đại sứ Qaem, Afghnistan không có kế hoạch tìm kiếm bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào từ Trung Quốc, nhưng Kabul có thể đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ tài chính thông qua viện trợ nhân đạo và nới lỏng các điều khoản thương mại về lâu dài.

Về việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đại diện Taliban tại Thiên Tân cuối tháng 7 vừa qua, Đại sứ Qaem khẳng định Afghanistan hoan nghênh việc Trung Quốc đối thoại với Taliban.

“Afghanistan không hoàn toàn đồng ý với cách Trung Quốc gọi Taliban là một nhóm chính trị. Chúng tôi hy vọng họ có thể trở thành một nhóm chính trị, nhưng tại thời điểm này thì không. Tôi nghĩ chính phủ Afghanistan là lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc”, Đại sứ Qaem nói.

Trong cuộc gặp tại Thiên Tân hồi tháng 7, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng kêu gọi Taliban cắt đứt quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) mà Bắc Kinh cho là gây ra các cuộc tấn công ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Taliban đáp lại rằng, “lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để đe dọa an ninh của các quốc gia khác”.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Qaem, Taliban không có khả năng thực hiện được cam kết này.

“Tôi không nghĩ Taliban thật lòng. Việc họ nói họ coi Trung Quốc là bạn là một chuyện, nhưng hãy nhìn vào lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hệ tư tưởng của ETIM giống hệ tư tưởng của Taliban, cùng một hệ tư tưởng cực đoan”, Đại sứ Aghanistan nhận định.

Trung Quốc “thực dụng” và sẽ không chọn phe

Theo ông Raffaello Pantucci, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, các bên quan tâm tới vấn đề Afghanistan, không chỉ Trung Quốc, mà cả Anh hay Mỹ cũng đều xem xét cách đối phó với Taliban nếu lực lượng này lên nắm quyền ở Afghanistan dưới một hình thức nào đó.

“Mọi người dường như đang cho rằng Trung Quốc  sẽ có một số vai trò nhất định trong chính phủ tương lai của Afghanistan, hoặc ít nhất là kiểm soát một số khu vực đáng kể, hoặc có sự ảnh hưởng lớn ở một số khu vực. Vì vậy tất cả các bên đều nhận thấy, họ phải có một mối quan hệ nào đó với Taliban”, ông Pantucci nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia Pantucci bày tỏ hoài nghi việc Trung Quốc tìm kiếm điểm chung trong vấn đề ETIM, “vì Trung Quốc chưa bao giờ nắm rõ Taliban trung thực đến mức nào”. Theo ông, Bắc Kinh sẽ không “ngây thơ” đến mức coi những tuyên bố của Taliban là có giá trị, và việc “chìa tay” với Taliban không có khả năng đưa Trung Quốc vào một vị trí mà từ đó Bắc Kinh có thể gây sức ép lên chính quyền Taliban và hay chính quyền Afghanistan để đi đến một số thỏa thuận có lợi cho mình.

“Trung Quốc sẽ vẫn tham gia vào nhiều hình thức đàm phán khác nhau xung quanh vấn đề Afghanistan, đồng thời tiếp tục lên tiếng về việc hỗ trợ một giải pháp do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ. Nhưng Trung Quốc hiện vẫn chưa cho thấy rõ việc nước này thúc đẩy tích cực vai trò trung gian hòa giải. Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ để mọi việc tự diễn biến cho đến khi ổn định, sau đó họ sẽ hợp tác với bên còn lại sau cùng. Cho đến khi có kết quả cuối cùng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên và từ chối chọn bên”, chuyên gia Pantucci nói./.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN)