PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước!

Kính thưa các nhà báo lão thành!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí trung ương và địa phương!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ Thông tin và Tuyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý, các cơ quan đối tác!

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và các thế hệ thầy trò Viện Báo chí thân mến!

Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra đời ngày 16/01/1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 01/2019, Viện Báo chí chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí Truyền thông của Học viện. Trong 60 năm qua, đơn vị đã xây dựng và thực thi chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu báo chí đáp ứng yêu cầu cách mạng ở từng thời kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông. Gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ đào tạo đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho nền báo chí truyền thông; vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, đổi mới và phát triển đất nước.

Nhằm phát huy truyền thống quý báu, để các nhà báo, sinh viên các thế hệ gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và động viên nhau cùng tham gia kiến tạo sự nghiệp báo chí - truyền thông của đất nước, giáo dục lý tưởng nghề nghiệp cho sinh viên; được phép của Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ngày hôm nay, Viện Báo chí tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống và Hội thảo khoa học “Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 60 năm đào tạo, nghiên cứu - vấn đề đặt ra và giải pháp cho sự phát triển”.

Thay mặt Ban lãnh đạo Viện, các thế hệ thầy trò của Viện, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà báo lão thành, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trung ương và địa phương, các đồng chí lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý, các cơ quan đối tác, các vị đại biểu, các vị khách quý tới dự Lễ kỷ niệm. Chúc các đồng chí lãnh đạo, các nhà báo lão thành, các vị đại biểu, khách quý và các thế hệ thầy trò Viện Báo chí lời chức sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc buổi Lễ của chúng ta thành công rực rỡ!

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và các thế hệ thầy trò Viện Báo chí thân mến!

Trong sáu thập kỷ qua, Khoa Báo chí và Viện Báo chí đã đào tạo gần 5.000 cử nhân báo chí, hơn 100 cử nhân truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, khoảng 6.000 sinh viên hệ tại chức, vừa làm vừa học tại Học viện và các địa phương trong cả nước; khoảng 5.000 học viên được đào tạo, tập huấn qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn theo chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội và các chương trình đào tạo theo các dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Tính đến nay đã có 18 khóa cao học báo chí và quản lý báo chí truyền thông, với khoảng 1.200 học viên đã tốt nghiệp nhận bằng thạc sĩ; 16 khóa nghiên cứu sinh báo chí với gần 100 tiến sĩ báo chí đã tốt nghiệp với chương trình đào tạo do Khoa Báo chí - Viện Báo chí xây dựng và phát triển. 60 năm, có khoảng 18.000 người học đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại Khoa Báo chí, Viện Báo chí; nhiều ngàn học viên của các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Viện Báo chí đã đào tạo cho Bộ Quốc phòng hàng nghìn người học ở tất cả các bậc, các hệ, Khoa Báo chí, Viện Báo chí là đối tác tin cậy với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức trong hệ thống chính trị; đáp ứng yêu cầu hệ thống nhân lực báo chí - truyền thông trong quân đội; hàng nghìn người học cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc hệ thống chính trị. Viện đã đào tạo cho nước bạn Lào gần 100 cử nhân và thạc sĩ báo chí, hiện đang công tác ở những cơ quan báo chí, quản lý báo chí truyền thông của nước bạn.

Đây là đơn vị đầu tiên đào tạo đại học báo chí, xây dựng chương trình trình Bộ Giáo dục và đào tạo để mở mã ngành đào tạo báo chí bậc thạc sĩ, tiến sĩ sớm nhất trong cả nước. Viện Báo chí hiện có 02 chuyên ngành đạo tạo bậc cử nhân báo chí; 02 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí và đào tạo tiến sĩ báo chí từ năm 2003 cho tới nay.

Khoa Báo chí - tiền thân của Viện Báo chí là đơn vị có bộ Giáo trình Nghiệp vụ báo chí phục vụ đào tạo đội ngũ nhà báo cách mạng sớm nhất trong cả nước, đặt nền móng lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, mở đầu cho trường phái nghiên cứu lý luận báo chí cách mạng nước nhà, với một hệ thống các công trình nghiên cứu về Thể loại và nhóm thể loại Tác phẩm báo chí; báo chí chuyên ngành; quản lý báo chí truyền thông; hội tụ báo chí, báo chí đa phương tiện, báo chí truyền thông đa nền tảng, báo chí truyền thông dữ liệu và báo chí số. Trong chặng đường 60 năm, khoảng gần 200 đầu giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo đã được Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu, xuất bản, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập trong nước và nước ngoài.

Nhân Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống, xin điểm lại những mốc son lịch sử trong đào tạo, nghiên cứu báo chí cách mạng cho đất nước của Viện Báo chí trong 60 năm qua.

Năm 1962, Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương thành lập ngày 16/1/1962, là đơn vị chuyên môn đào tạo báo chí đầu tiên trong cả nước. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đầu tiên này là công tác đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn dành cho cán bộ tuyên huấn, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Năm 1969, Khoa Báo chí chính thức đào tạo bậc đại học. Đại học Báo chí Khóa 1 (1969 - 1973) là khoá đại học báo chí đầu tiên. Đại học Báo chí khoá 1 có lớp “Phóng viên Tiền phương" được cử vào chiến trường miền Nam tác nghiệp, góp phần làm nên chiến thắng Mùa xuân năm 1975.

Năm 1977 và 1978, Khoa Báo chí xuất bản bộ Giáo trình Nghiệp vụ báo chí đầu tiên, 2 tập. Năm 1979, tách Khoa Báo chí thành hai khoa là Khoa Báo chí và Khoa Phát thanh - Truyền hình. Mùa hè năm 1984,  Khoa Phát thanh truyền hình lại được hợp nhất.

Từ năm 1992, chính thức tuyển sinh thí sinh tốt nghiệp THPT trong cả nước và nước ngoài từ Khoá 11 (1992 - 1996). Từ khoá 11, đào tạo cử nhân báo chí theo 4 chuyên ngành: báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng các Tổ bộ môn: Lý luận và lịch sử báo chí, Báo viết, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình; đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu để xây dựng trường phái lý luận và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ứng với các loại hình báo chí đương đại.

Năm 1995, chính thức đào tạo thạc sĩ báo chí ngành báo chí. Năm 2003, đào tạo tiến sĩ Báo chí học, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Năm 2004, tái lập Khoa Phát thanh - Truyền hình. Năm 2006, thành lập Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông. Năm 2015, mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Quản lý báo chí truyền thông. Năm 2017, tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Truyền thông đại chúng và Truyền thông đa phương tiện, tạo nguồn nhân lực cho nền báo chí hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, báo chí truyền thông dữ liệu, báo chí đa phương tiện, báo chí số.

Năm 2018 – 2019, thành lập Viện Báo chí, mô hình đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện.

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và các thế hệ thầy trò Viện Báo chí thân mến!

60 năm hình thành và phát triển, những giá trị truyền thống cốt lõi nhất của Viện Báo chí bao gồm:

Thứ nhất: Đặt nền móng lý luận và định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam 

Là đơn vị có lịch sử lâu đời nhất trong lịch sử đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông trong cả nước, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính là nôi đào tạo đại học báo chí, nơi xây dựng chương trình trình Bộ Giáo dục và đào tạo để mở mã ngành đào tạo báo chí bậc thạc sĩ, tiến sĩ sớm nhất trong cả nước.

Viện Báo chí hiện đào tạo có 02 chuyên ngành đạo tạo bậc cử nhân báo chí; 02 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí và đào tạo tiến sĩ báo chí từ năm 2003 cho tới nay. Khoa Báo chí - tiền thân của Viện Báo chí là đơn vị có bộ Giáo trình Nghiệp vụ báo chí đầu tiên năm 1977 phục vụ cho đào tạo đội ngũ nhà báo cách mạng sớm nhất trong cả nước; đơn vị mở đầu cho trường phái nghiên cứu lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, với một hệ thống các công trình nghiên cứu, đặc biệt là lý luận báo chí chuyên ngành, nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng các tổ bộ môn chuyên ngành báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng lý thuyết các loại hình báo chí căn bản, nhóm thể loại và thể loại tác phẩm báo chí; nơi xây dựng và phát triển  hệ thống giáo trình báo chí làm xương sống, là kim chỉ nam về nghiệp vụ báo chí cho nền báo chí cách mạng Việt Nam từ gần nửa thế kỷ qua.

Sự ra đời của Viện Nghiên cứu báo chí truyền thông đầu tiên của Việt Nam năm 2006 là tiền đề và dấu mốc quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển Viện Báo chí như một mô hình đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông đầu tiên ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, Bản lĩnh, sáng tạo để thành công

Từ những bài giảng đến hoạt động thực hành nghề nghiệp những chuyến thực tập, thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường của Khoa, các thế hệ sinh viên được truyền thụ những điều cốt lõi, những giá trị từ thầy cô; cho đến khi tham gia các vị trí trong nghề báo; các thế hệ những người làm báo Việt Nam đã được rèn giũa “vừa hồng, vừa chuyên”. Trò ra trường giữ vững bản lĩnh, trau dồi để tỏa sáng giá trị sáng tạo nghề nghiệp, trưởng thành và gặt hái nhiều thành tựu nghề nghiệp, tiếp tục tham gia giảng dạy, truyền nhiệt huyết báo chí cách mạng, bản lĩnh của nhà báo cách mạng, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các thế hệ sau, góp phần xây dựng truyền thống, quyết tâm giữ vững vị thế là địa chỉ ‘đỏ’, nôi đào tạo cho báo chí cách mạng.

Những người thầy báo chí bản lĩnh để vượt qua những giai đoạn còn nhiều khó khăn của đất nước, những vất vả gian nan khi trụ lại đơn vị, vừa không ngừng nỗ lực vươn lên thực hiện vai trò tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu, vừa phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Họ đã thầm lặng mà kiên cường nỗ lực hoàn thiện, bản lĩnh, sáng tạo đóng góp vào những thành công trong sự chuyển mình của Viện Báo chí. Bền bỉ nỗ lực để nâng cao trình độ giảng viên, mở rộng hình thức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tập trung phát triển chuyên môn đội ngũ, xây dựng và đổi mới hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu báo chí…, để xứng đáng là với tầm nhìn sứ mệnh và giá trị cốt lõi đơn vị đào tạo- nghiên cứu báo chí truyền thông có lịch sử lâu đời và uy tín trong cả nước.

Thứ ba, Kết nối giá trị, hội nhập để phát triển

Dấu ấn bước ngoặt của Khoa Báo chí là sự ra đời của Viện Báo chí vào tháng 01/2019 trên cơ sở hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí truyền thông của Học viện theo Quyết định số 6591 ngày 01/11/2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Điểm nổi bật trong giá trị cốt lõi của Viện đó là, kế thừa giá trị truyền thống của các thế hệ đi trước, tổng kết thực tiễn báo chí cách mạng Việt Nam; hội nhập quốc tế, kết nối giá trị của nền khoa học báo chí truyền thông hiện đại, học hỏi, ứng dụng để phát triển lý luận và thực tiễn báo chí Việt Nam; đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông hội tụ cho nền báo chí cách mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, xứng đáng với sứ mệnh, đáp ứng yêu cầu đối với một đơn vị “đầu tàu” trong đào tạo, nghiên cứu báo chí, truyền thông trong cả nước.

Rất nhiều đề án, chiến lược báo chí truyền thông hiện đại ra đời... cho thấy hơi thở của báo chí thời đại đã được Viện Báo chí hiện thực hóa từ giảng đường đến thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của Viện có tính ứng dụng, nhiều sản phẩm báo chí được đánh giá cao trong và ngoài nước... Điều đáng nói đó là, dù phát triển truyền thông số, song giá trị báo chí cách mạng, báo Đảng vẫn được Viện giữ gìn và truyền tải trong các thế hệ giảng viên, sinh viên của trường.

Để tổng kết chặng đường 60 năm, thảo luận chia sẻ những kỳ vọng và thích nghi cần thiết mà các cơ quan báo chí mong đợi ở nguồn nhân lực báo chí truyền thông trong điều kiện hoản cảnh mới; chia sẻ thực trạng, vấn đề đặt ra, phương thức, giải pháp giải quyết những vấn đề đó, từ đó giúp Viện Báo chí có chiến lược và hoạt động đào tạo, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp hơn với thực tiễn, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm sáng nay, trong ít phút nữa sẽ diễn ra Hội thảo “ Viện Báo chí: 60 năm đào tạo nghiên cứu - vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển”.

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Viện Báo chí đúc kết sáu bài học kinh nghiệm từ lịch sử sáu mươi năm truyền thống sau đây:

Một là, bài học về xác định tầm nhìn, sứ mệnh và vai trò “đầu tàu” trong việc xây dựng nền móng lý luận báo chí cách mạng và khoa học báo chí - truyền thông cho đất nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí - truyền thông.

Hai là, bài học từ quan điểm đào tạo nhân lực cho một nền báo chí dựa trên nền tảng khoa học - thực tiễn của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đất nước trong từng thời kỳ; người học có khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa.

Ba là, bài học về tính tiên phong và tính chiến lược trong xây dựng mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông.

Bốn là, bài học về việc phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, đáp ứng xu hướng phát triển báo chí truyền thông, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Năm là, bài học từ việc xây dựng nguồn nhân lực cơ hữu, thỉnh giảng, các hội đồng tư vấn ngành, hội đồng khoa học - đào tạo, hội đồng Viện, cộng tác viên nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu về đội ngũ nhân lực quản lý, thực thi nhiệm vụ đơn vị trong bối cảnh giảm cán bộ, giảng viên cơ hữu.

Sáu là, bài học về mở rộng và phát huy vai trò và sự tham gia của các cơ quan báo chí, cựu sinh viên và huy động các lực lượng trong đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông.

Từ những bài học đã được nhìn nhận, Viện Báo chí xác định phương hướng phát triển:

Thứ nhất, về lĩnh vực đào tạo: duy trì và phát triển hệ thống đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh, mở thêm các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh báo chí phù hợp với xu thế phát triển của báo chí truyền thông hiện đại và nhu cầu thực tiễn báo chí truyền thông Việt Nam. Xây dựng hệ thống chuẩn đào tạo, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông Việt Nam. Đào tạo nguồn lực giảng viên - nhà nghiên cứu cho Viện Báo chí đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ. Đào tạo nguồn lực giảng viên báo chí truyền thông cho các cơ sở đào tạo trong nước.

Thứ hai, về lĩnh vực nghiên cứu, xu hướng báo chí truyền thông hiện đại: báo chí tích cực, truyền thông sáng tạo, báo chí dữ liệu, hội tụ và đa phương tiện, các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, báo chí số, báo chí dữ liệu và cơ sở dữ liệu báo chí truyền thông, an ninh truyền thông. Báo chí chính trị xã hội, báo chí chính luận, báo chí điều tra, báo chí văn hóa - nghệ thuật giải trí, báo chí chuyên biệt. Quản lý nhà nước lĩnh vực báo chí truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!

Kính thưa các thầy cô giáo! Thưa các anh chị em sinh viên các thế hệ!

Tự hào với truyền thống tốt đẹp và những thành tích to lớn qua lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay luôn trân trọng và biết ơn những đóng góp to lớn của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành ở Trung ương đã quan tâm sâu sát, lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung và Viện Báo chí nói riêng suốt 60 năm qua. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện Báo chí nhận được sự chỉ đạo, sự ủng hộ của Đảng ủy, Ban giám đốc, các khoa đào tạo, các đơn vị chức năng.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan, đoàn thể, các nhà trường, học viện, các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo đã tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học cùng với Viện Báo chí chúng tôi!

Trân trọng cám ơn các thế hệ lãnh đạo và đồng nghiệp của chúng tôi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặc biệt là sự phối hợp của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình vì sự nghiệp chung.

Trong buổi lễ trọng thể này, chúng tôi xin bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các bậc lãnh đạo tiền bối, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên, bằng tâm huyết, nghị lực, tận tụy trong giảng dạy và phục vụ, với sự kiên trì, bền bỉ, với một tinh thần bản lĩnh, sáng tạo, đoàn kết, đã đóng góp thầm lặng, đã gắn bó cùng chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, tạo nên tầm vóc Viện Báo chí, để thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên hiện nay thừa hưởng những thành quả truyền thống được xây dựng từ các thế hệ đi trước, với những giá trị được đúc kết. Đó là động lực to lớn đưa sự nghiệp của Viện Báo chí tiếp tục phát triển, thu được những thành tựu to lớn hơn nữa, uy tín và danh dự của Viện Báo chí ngày càng được tỏa sáng hơn nữa.

Cuối cùng, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý, các thầy giáo, cô giáo và toàn thể anh chị em học viên, sinh viên mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền