THCL Nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành nhiều năm qua đã khiến không ít nông dân điêu đứng. Mới đây, trên VTV1, trong phóng sự về phân bón giả khiến cây cà phê, hồ tiêu lụi tàn, tiền đầu tư mất trắng…, những nông dân “tội nghiệp” chỉ buồn bã buông lời “ác quá”!
Có lẽ không còn từ nào diễn tả đúng hơn ngoài từ “tội ác” để chỉ phân bón giả, kém chất lượng. Thế nhưng, “tội ác” đó được trừng trị như thế nào?
Thông tin mới nhất: Trong 8 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về sản xuất thuốc thú ý thủy sản, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, phân bón giả, kém chất lượng; xử phạt vi phạm hành chính trên 3,8 tỷ đồng đối với 50 công ty; đề nghị đóng cửa 2 công ty sản xuất phân bón... “Cháy nhà ra mặt chuột”, ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Bình Định, có không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng, không đạt các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bị cơ quan chức năng phạt từ 160 - 180 triệu đồng, nặng nhất tới 360 triệu đồng.
Đọc những con số đó có vẻ thấy các cơ quan chức năng ra tay khá mạnh. Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn thị trường phân bón thì những con số đó chỉ như dăm giọt nước nhỏ xuống bãi cát.
Hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất và xấp xỉ 30.000 đại lý kinh doanh phân bón. Ngoài một số rất ít doanh nghiệp lớn sản xuất phân bón có thương hiệu uy tín, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp chỉ làm gia công phân bón với nhiều chiêu gian lận, giảm chất lượng để giảm giá thành, chuyển cho đại lý bán tới tay nông dân. Như vậy, đã và đang có hàng trăm công ty sản xuất phân bón, hàng ngàn tấn phân bón giả, kém chất lượng vẫn nhởn nhơ ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Có một lực lượng sát nông dân nhất, có thể làm giảm “tội ác” phân bón giả, kém chất lượng: Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hiện cả nước có trên 10.300 HTX nông nghiệp, mỗi HTX có 500 - 600 xã viên - nông dân, cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và đầu ra (tiêu thụ nông sản) cho nông dân. Rất tiếc, thực tế chỉ có khoảng 10% HTX nông nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả, nông dân vẫn phải… cắn răng tự làm chủ mà thôi!
Cơ quan chức năng không đủ sức làm “sạch” thị trường, doanh nghiệp gian lận, đại lý vô tâm, HTX nông nghiệp có cũng như không…, cuối cùng, mọi “tội ác” rơi hết xuống nông dân, để người cùng cây trồng “héo khô”, thật xót xa!
Theo Báo Công Thương