Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích; 61.726 ngôi nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; 108.458ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng… Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.380 tỷ đồng.

Cả nước còn tồn đọng 7.042 vụ vi phạm luật đê điều chưa được xử lýCả nước còn tồn đọng 7.042 vụ vi phạm luật đê điều chưa được xử lý

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt của cả nước vẫn còn 230 vị trí trọng điểm, xung yếu; 399km đê thiếu cao trình; 683km đê có mặt cắt nhỏ, hẹp; 459 cống và 58km kè xung yếu bị xuống cấp, hư hỏng; 160km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm thấu khi xảy ra lũ…

Đáng lo ngại, nhiều địa phương chưa ngăn chặn hiệu quả, xử lý triệt để tình trạng vi phạm pháp luật đê điều. Tính từ năm 2011 đến nay, 21 tỉnh, thành phố để xảy ra 10.678 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 3.276 vụ, tồn đọng 7.042 vụ, cản trở nghiêm trọng dòng chảy thoát lũ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều…

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật đê điều; xây dựng lực lượng xung kích làm công tác phòng, chống thiên tai, phát hiện và xử lý sự cố từ giờ đầu; xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được pháp luật quy định; trong đó phải chịu trách nhiệm trong ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm an toàn các tuyến đê... Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp huyện phải khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xác định và xây dựng phương án, sẵn sàng bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu…

PV