Đây là kết luận được nêu ra tại báo cáo về công nợ với BBP của Ban kiểm soát nội bộ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam do Trưởng ban Trần Đăng Khánh ký ngày 18/4/2017 (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-GVN.HN ngày 11/01/2017).
Công nợ gia tăng - nguy cơ thất thoái vốn
Theo báo cáo của Ban kiểm soát nội bộ (Tổng Công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco), năm 2011 đơn vị này phát sinh khoản công nợ khó đòi tại BBP lên tới hơn 31 tỷ đồng, năm 2012 công nợ lên tới hơn 40 tỷ đồng, công nợ năm 2013 tiếp tục tăng lên hơn 44 tỷ đồng, năm 2014 công nợ chỉ giảm nhẹ còn gần 39 tỷ đồng, năm 2015 công nợ gần 38 tỷ đồng, năm 2016 công nợ gần 38 tỷ đồng, chưa kể bao gồm phần lãi phát sinh theo thỏa thuận.
Cũng theo báo cáo, trong các năm 2012, 2013, 2014, 2015 khi công nợ đã ở mức cao (trên 30 tỷ đồng) thì các hợp đồng kinh tế vẫn được ký kết; công nợ vẫn tiếp tục phát sinh tăng; cùng với đó, trong hợp đồng ký không ghi rõ hạn mức nợ và mức dư nợ là không đúng với điều 2 khoản 2 Quy chế quản lý công nợ của Vinapaco ban hành ngày 28/11/2011(hợp đồng kinh tế phải thể hiện đầy đủ các nội dung chủ yếu; các bên và người đại diện của các bên ký hợp đồng phải có năng lực pháp lý và phải đúng thẩm quyền; tên chủng loại hàng hóa, giá cả, số lượng, quy cách, sản phẩm; thanh toán, hạn mức nợ, số dư nợ…).
Tổng công ty giấy Việt Nam (Vinapaco) đứng trước nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền công nợ khó đòi và số vốn góp tại Công ty CP giấy Bãi Bằng (BBP)
Ngoài ra, theo báo cáo tài chính của BBP, trong giai đoạn này công ty trượt dài trong thua lỗ. Cụ thể, đến hết năm 2014, đơn vị này ghi nhận lỗ lũy kế hơn 210 tỷ trên tổng số hơn 218,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương 96,4% vốn chủ sở hữu. Sang năm 2015, BBP tiếp tục lỗ thêm hơn 45 tỷ đồng và phải dừng mọi hoạt động.
Hàng loạt lãnh đạo dính sai phạm nhưng chưa bị "truy" trách nhiệm
Tại báo cáo, Ban kiểm soát nội bộ Vinapaco cũng chỉ ra trách nhiệm những người có liên quan tới việc thu hồi nợ, gồm: ông Trịnh Văn Lâm – Phó Tổng giám đốc (phụ trách các lĩnh vực: kinh doanh, tài chính, kế toán, quản lý vốn, công nợ, ký hợp đồng bán hóa chất…) và ông Nguyễn Việt Đức – Phó Tổng giám đốc (người trực tiếp ký các hợp đồng theo ủy quyền của Tổng giám đốc).
Bên cạnh đó, trong sự việc này, báo cáo cũng chỉ rõ trách nhiệm người đại diện phần vốn góp của Vianapaco tại BBP. Cụ thể, từ ngày 12/9/2007 đến 23/1/2011- người đại diện phần vốn tại BBP là ông Võ Sỹ Dởng (TGĐ) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BBP và ông Vũ Thanh Bình (Phó TGĐ) giữ chức Ủy viên HĐQT BBP; từ ngày 24/1/2011 đến ngày 23/8/2011 - người đại diện phần vốn là ông Đỗ Xuân Trụ (Chủ tịch HĐTV – đại diện 29 tỷ đồng vốn góp) và ông Vũ Thanh Bình ( Phó TGĐ – đại diện 14,5 tỷ đồng vốn góp); từ ngày 23/8/2011 đến 15/1/2012 - người đại diện phần vốn là ông Vũ Thanh Bình (TGĐ – đại diện ủy quyền 29 tỷ đồng vốn góp) và ông Trịnh Văn Lâm (Phó TGĐ – đại diện ủy quyền 14,5 tỷ đồng vốn góp); từ ngày 15/1/2012 đến ngày 15/2/2012 người đại diện phần vốn là ông Trịnh Văn Lâm (Phó TGĐ – đại diện ủy quyền 43,5 tỷ đồng vốn góp); từ ngày 15/2/2012 đến ngày 26/6/2014 - người đại diện phần vốn là ông Nguyễn Việt Đức (Phó TGĐ – đại diện ủy quyền 29 tỷ đồng vốn góp) và ông Trịnh Văn Lâm (Phó TGĐ – đại diện ủy quyền 14,5 tỷ đồng vốn góp); từ ngày 26/6/2014 đến nay người đại diện phần vốn là ông Nguyễn Việt Đức (Phó TGĐ – đại diện ủy quyền 34,84 tỷ đồng vốn góp) và ông Trịnh Văn Lâm (Phó TGĐ – đại diện ủy quyền 17,16 tỷ đồng vốn góp).
Đáng chú ý, trong năm 2011, 2012, không thấy có văn bản nào báo cáo của người đại diện phần vốn của Vinapaco tại BBP (phân tích đánh giá tình hình quản lý và sử dụng vốn tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán, kết quả kinh doanh…) là không đúng với quy định tại Điều 30 trong Quy chế quản lý tài chính của Vinapaco được Bộ Tài chính phê duyệt ngày 17/8/2016 và Điều 39 trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinapaco ban hành theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 6/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, theo Điều 15 Quy chế Quản lý tài chính của Vinapaco hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Con do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/8/2016 có ghi rõ: “Trách nhiệm của Công ty Mẹ trong việc quản lý nợ phải thu…”. Theo đó, HĐQT, TGĐ có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thể thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định tại khoản này thì HĐQT, TGĐ chịu trách nhiệm như báo cáo không trung thực tình hình tài chính của Công ty. Nếu như không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Sai phạm đã rõ, tuy nhiên tới nay những tập thể, các nhân liên quan tại Vinapaco vẫn chưa bị “sờ gáy” để làm rõ trách nhiệm. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng mà đặc biệt là cơ quan chủ quản cần tiến hành thanh kiểm tra toàn diện nhằm xử lý trách nhiệm của những cá nhân liên quan, đồng thời tránh việc thất thoát hàng chục tỷ đồng vốn Nhà nước tại BBP do Vinapaco sở hữu.
Bên cạnh đó, tại báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, Vinapaco là đơn vị có nợ quá hạn cao, không có khả năng trả, điển hình với dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam khoản nợ quá hạn hơn 2.700 tỷ. Trong số này, nợ phải trả Bộ Tài chính khoảng 1.610 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty khác con của Vinapaco là Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy Miền Nam cũng có khoản nợ quá hạn tại Chi nhánh Ngân hàng phát triển Kon Tum 504 tỷ đồng (gốc và lãi). Để "cứu" đơn vị trực thuộc, Vinapaco đã có văn bản xin gia hạn nợ vay đến 1/1/2018 và trình cấp có thẩm quyền về cơ chế vay với phương án chuyển đổi 25 năm của dự án này.
Hải Minh