Mới đây, UBND TP giao Sở QH-KT phối hợp với Sở Du lịch, Sở GTVT, Viện Nghiên cứu phát triển TP, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Ban quản lý khu đô thị Nam TP, chín quận/huyện và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - đơn vị nghiên cứu lập đồ án quy hoạch dọc sông Sài Gòn) rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc tuyến này.

Kết quả rà soát, cả tuyến sông Sài Gòn có 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở; khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại-dịch vụ; khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454 ha. Trong số này có 13 đơn vị chủ đầu tư với 116 lô đất (đã duyệt quy hoạch, trong đó có 76 công trình đã xây dựng) có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông (30-50 m theo Quyết định 150/2004, nay được thay bằng Quyết định 22/2017 của UBND TP). Theo quy định, các công trình xây dựng của 13 đơn vị trên phải có hành lang bảo vệ sông, rạch là 50 m.

TP. HCM: Hàng trăm dự án cao tầng mọc lên, bờ sông Sài Gòn đang quá tải? - Hình 1

Việc các dự án phát triển ồ ạt ven sông Sài Gòn có thể sẽ khiến quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh (Ảnh Đình Du - Ngô Bình)

Cụ thể, Công ty TNHH Sài Gòn Riviera (có một công trình nhà phụ trợ cách sông 10 m), Công đoàn Công ty Thép Miền Nam (khu 3 - có năm công trình tạm, cách sông 20 m) xây dựng sau năm 2004, Công ty TNHH XD Bảo Tiến có khoảng 11 lô đất (cách sông 26 m). Đã xử lý hai trường hợp và công ty này chưa chấp hành tự tháo dỡ.

Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) có 13 lô đất (trong đó có 13 công trình nhà ở cách sông 7,5 m), Công ty XD&KD Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất cách sông 20 m.

Tương tự, Công ty TNHH Thế Minh có 17 lô đất, đã được cơ quan chức năng xử lý bốn trường hợp, chưa chấp hành tự tháo dỡ; Công ty TNHH Văn Minh có 11 lô đất, đã xử lý chín trường hợp, đình chỉ thi công chưa tháo dỡ .

Các đơn vị còn lại có công trình xây dựng ảnh hưởng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn là: Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng: 17 lô; Công ty Cổ phần Eden: chín lô; Công ty Cổ phần XD-KD Kim Sơn: một lô; Công ty Cổ phần ĐTXD Tân Bình: bốn lô đất; Công ty TNHH Hải Vương: tám lô đất.

Được biết, giá bán các căn hộ có View hướng ra bờ sông cao hơn so với các căn hộ khác. Trước đó, dự án Thảo Điền Sapphire trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 cũng tự ý tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với diện tích vi phạm lên đến gần 1.400m2, bị UBND TP xử phạt hành chính 1 tỷ đồng và buộc phải tháo dỡ.

Một số chuyên gia cho rằng, việc các dự án phát triển ồ ạt sẽ khiến quá tải về hạ tầng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống xung quanh. Điển hình các dự án còn đang xây dựng sự đồng bộ hạ tầng còn khập khiễng đã khiến phần nào đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh ngập nước mỗi khi có mưa lớn và TP phải bỏ một số tiền lớn để thuê siêu máy bơm trợ giúp.

Ông Trần Khánh Quang  - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, những năm gần đây là thời của BĐS mặt tiền, view sông. Các dự án nằm gần, thậm chí cách bờ sông, kênh rạch từ 1-3 km đang thu hút nhiều sự quan tâm và lấn lướt nguồn cung toàn thị trường. Ngoài giá trị quan trọng về vị trí, yếu tố view sông, hồ, kênh rạch là một tiêu chí đứng hàng thứ 2 tạo nên giá trị BĐS. Hiện nay các chủ đầu tư đã tận dụng điều này để tạo nên một giá trị đẳng cấp cho dự án. Đó là triết lý gắn một mảng xanh mát vào trong một khối bê tông. View sông có thể làm giá trị BĐS tăng thêm 10-20%.

Còn ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn nói: “Rất nhiều lần các thế lực đại gia dùng các mối quan hệ tài chính để thủ lấp những vị trí tốt nhất như: Tuyến metro, bờ sông, rạch có vị đẹp nhất bờ sông Sài Gòn. Ngoài ra, dọc các bãi biển cũng có rất nhiều đại gia lấn vào bờ biển để làm resort chiếm đi tầm nhìn, không gian hưởng thụ của người dân hạn chế. Còn về quy hoạch có khi những dự án này không phù hợp quy hoạch. Trước đây, một số khu ven sông Sài Gòn không được quy hoạch nhà cao tầng, nhưng người ta vẫn tìm cách để hợp thức hóa thành nhà cao tầng, điều này làm mất đi cảnh quan của một đô thị rất lớn. Bởi một khúc sông có nhiều cao ốc cao rất có nguy cơ phá vỡ quy hoạch”.

Cũng theo ông Đực, việc xây dựng dự án ven sông nguy cơ lún sập thì không đáng kể bằng việc chiếm đi cảnh quan, không khí sinh hoạt làn gió mát bị ngăn cản bởi các bức tường bê tông. Về giao thông, trước mắt đã có hậu quả về tình trạng ngập nước, như đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện nay đã lên đến hơn 15.000 căn hộ, trong khi đó đường thì rất nhỏ. Hay đường Phổ Quang, 3/2 số lượng căn hộ quá nhiều kèm theo 10 – 20% căn hộ officetel thì khiến đô thị càng vỡ trận hơn.

Sông Sài Gòn là một phụ lưu của sông Đồng Nai, bề rộng 225-370 m, diện tích lưu vực trên 5.000 km2.

Sở QH-KT TP tạm chia sông Sài Gòn thành ba đoạn. Cụ thể, đoạn 1 từ ranh giới phía Bắc đi qua huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần quận Bình Thạnh (ở phía bờ Tây) và một phần quận Thủ Đức (ở phía bờ Đông), có tổng chiều dài 60 km. Đoạn này theo Quy định 150/2004 thì quy hoạch mép bờ cao và hành lang bảo vệ bờ sông rộng 30 m (sông cấp III).

Đoạn 2 từ cầu Bình Triệu đến cầu Tân Thuận đi qua quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4 ở bờ phía Tây, một phần quận Thủ Đức và quận 2 ở bờ phía Đông (chiều dài 15 km). Đoạn 3 từ cầu Tân Thuận đến hết sông Sài Gòn tại khu vực mũi Đèn Đỏ, quận 7 (ở bờ phía Tây) và quận 2 (ở bờ phía Đông), dài 6 km. Đoạn 1 và 2 có hành lang bảo vệ bờ sông rộng 50 m (sông cấp II).

Hải Đăng