Cầu Tân Thuận 1
Cầu Tân Thuận 1 (Ảnh: KT)

Theo thống kê của Sở GTVT TP. HCM, đến cuối năm 2023, toàn thành phố có khoảng 200 cây cầu phục vụ người dân, việc tổng kiểm tra, rà soát "sức khỏe" các cây cầu yếu, cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh, cầu sắt cũ đã hư hỏng nhằm tránh xảy ra sự cố như vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) sau cơn bão Yagi vừa qua.

Trong đó, nhiều cây cầu có tuổi thọ cao được sở Sở GTVT TP. HCM điểm danh gồm: cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…

Đa số những cây cầu này được xây dựng từ trước năm 1975 và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Thậm chí, một số cây cầu bị phương tiện thủy va chạm làm hư hỏng dầm nhịp chính như cầu Bình Phước 1 (nối quận 12 và TP. Thủ Đức) vào tháng 8/2022.

Dù sự cố được khắc phục nhưng do tĩnh không thông thuyền thấp, không bảo đảm phương tiện thủy lưu thông nên Sở GTVT đề xuất nâng tĩnh không thông thuyền lên 7 m và được HĐND TP. HCM thông qua dự án với tổng kinh phí 111 tỷ đồng.

Tương tự, cầu Bình Triệu 1 (nối quận Bình Thạnh và TP. Thủ Đức) được xây dựng trước năm 1975. Năm 2009, khi công nhân đang thi công sửa chữa cầu thì phát hiện gối dầm cầu ở nhịp giữa bị lệch khỏi vị trí và rơi ra. Sự cố sau đó được khắc phục nhưng do tĩnh không thông thuyền thấp nên cây cầu này được Sở GTVT đề xuất nâng tĩnh không lên 7 m và được HĐND thành phố thông qua với tổng kinh phí 133 tỷ đồng. Hai dự án này đang được Sở GTVT triển khai, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.

Không gặp sự cố nhưng nhiều cây cầu có tuổi thọ cao, hiện gồng gánh lượng phương tiện rất lớn mỗi ngày cũng được kiểm tra "sức khỏe" như cầu Tân Thuận 1 (nối quận 4 và quận 7). Được xây dựng từ năm 1905, đây là một trong những cây cầu lâu đời nhất ở TP. HCM với tuổi đời hơn 120 năm, cầu dài 241 m, ngang 8 m, có lề bộ hành, mỗi bên 1,25 m.

Hiện nay, nhiều đoạn cầu Tân Thuận 1 đã xuống cấp, gỉ sét, đọng nước, đoạn bên thành cầu dây diện, dây cáp được cuộn lại như "mạng nhện", thêm vào đó là những hình vẽ nguệch ngoạc làm cho cây cầu này trở nên nhếch nhác. Mỗi ngày cầu Tân Thuận 1 vẫn phải gánh hàng ngàn lượt phương tiện qua lại.

Để giảm tải cho cầu Tân Thuận 1, cầu Tân Thuận 2 được xây dựng năm 2005, thiết kế song song với cầu Tân Thuận 1 và chỉ cho phép các phương tiện lưu thông một chiều từ đường Nguyễn Tất Thành sang đường Nguyễn Văn Linh. Năm 2008, cầu Tân Thuận 1 được sửa chữa để nâng tải trọng lên 30 tấn và chỉ cho phép xe lưu thông một chiều, từ đường Huỳnh Tấn Phát sang đường Nguyễn Tất Thành.

Tương tự, cầu Rạch Đỉa, Rạch Dơi, Rạch Tôm là 3 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) được xây dựng từ trước năm 1975, đang xuống cấp vì gánh hàng ngàn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.

Cũng theo Sở GTVT TP. HCM, hiện dự án xây mới cầu Rạch Đỉa thay thế cầu cũ đang hoàn tất, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.

Riêng dự án xây mới cầu Rạch Tôm, tổng kinh phí khoảng 497 tỉ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2025, hoàn thành năm 2027. Cầu Rạch Dơi đang chờ điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, sau đó đề xuất chủ trương đầu tư, dự kiến thực hiện giai đoạn 2026-2030. 

Để đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn Thành phố trong mùa mưa bão, GTVT TP. HCM cũng đã đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng; cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên bàn Thành phố.

Đặc biệt, Sở GTVT TP. HCM lưu ý các đơn vị chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; phát hiện và sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ sự cố công trình, mất an toàn giao thông công trình trong mùa mưa, bão năm 2024.

Trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, các đơn vị phải thực hiện tạm dừng ngay việc khai thác công trình.

Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn công trình kịp thời; có phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.

Ngoài ra, Sở GTVT TP. HCM cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị thường xuyên phối hợp với UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị đang thực hiện hợp đồng quản lý, bảo trì cầu đường bộ.

Thuận Yến (t/h)