Hệ thống xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trườngHệ thống xử lý nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh: NINA)

Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày. Riêng rác thải xây dựng tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày… Năm 2019, tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh dự ước đã hơn 4.000 tấn/ngày và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Với lượng chất thải phát sinh tăng nhanh hằng năm, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nguồn thải và thu được những kết quả bước đầu như: 100% chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được thu gom, lưu giữ và xử lý an toàn; 100% các khu công nghiệp (KCN) được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và vận hành đảm bảo các quy chuẩn môi trường Việt Nam…

TP.HCM đã tập trung và thống nhất những giải pháp xây dựng kế hoạch quản lý ô nhiễm công nghiệp và giải pháp thực hiện:

1. Tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý về môi trường.

2. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp.

3. Tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất, sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Đối với các KCN, cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại.

4. Thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp...

Công nhân kéo bạt che phủ bãi rác nhằm giảm thiểu phát tán mùi hôi ra cộng đồng.Công nhân kéo bạt che phủ bãi rác nhằm giảm thiểu phát tán mùi hôi ra cộng đồng (Ảnh: NINA)

TP.HCM cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. TP tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường công nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tăng cường công tác điều tra cơ bản phục vụ chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; rà soát các ngành công nghiệp không được phép hoạt động trong khu dân cư để từng bước di dời, đổi mới công nghệ. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025, 70%-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành công thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguyễn Tùng