Tại chương trình, một số cử tri là người lao động bày tỏ lo lắng trước tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó, phải sa thải lao động. Cử tri cũng đặt nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề người lao động; các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc chuyển đổi nghề nghiệp… 

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 9
Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 9 (Ảnh: Thành ủy TP. Hồ Chí Minh)

Giải đáp những vấn đề mà cử tri quan tâm, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có các chính sách sau: Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học; phần chênh lệch học phí sẽ do doanh nghiệp cử người đi học, người học thỏa thuận đóng góp.

Bên cạnh đó, người lao động khác thuộc các đối tượng chính sách như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn; đồng thời, còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và hỗ trợ 1 lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15km trở lên.

Cũng theo bà Huỳnh Lê Như Trang, TP. Hồ Chí Minh xác định 8 lĩnh vực ưu tiên đào tạo nhân lực là: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - Ô tô; Cơ điện tử - Tự động hóa; Kế toán - Tài chính - Ngân hàng - Quản trị doanh nghiệp; Logistics; Chăm sóc sức khỏe; Du lịch; Xây dựng - Môi trường - Đô thị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành nâng cấp Cổng thông tin điện tử giáo dục nghề nghiệp để bổ sung tính năng gắn kết cung - cầu lao động sau khi tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Doanh nghiệp có thể gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng và tra cứu thông tin nguồn nhân lực sau đào tạo ở các lĩnh vực, từ đó có thể tìm kiếm, tuyển dụng được nhân sự đáp ứng nhu cầu của đơn vị.

Đối với việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động mất việc, theo quy định của Luật Việc làm, người lao động mất việc đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học nếu khóa học dưới 3 tháng và hỗ trợ thực tế không quá 1,5 triệu đồng/tháng đối với khóa học từ 3 tháng trở lên.

TP. Hồ Chí Minh chú trọng đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 376 cơ sở giáo dục đào tạo nghề, hằng năm có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, tham gia vào thị trường lao động. TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trung hạn và dài hạn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục đích nâng cao tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87% và đạt 89% vào năm 2030.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố tham mưu HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có tham gia tích cực trong việc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo; đồng thời, cần xây dựng chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết, phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố cần quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học để công tác đào tạo nghề đạt chất lượng.

Hoàng Bách