Theo đó, đề án đặt mục tiêu các cơ quan hành chính thành phố đảm đương khối công việc của đô thị hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp; cải thiện môi trường công vụ đủ hấp dẫn và giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Đề án nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục phát huy, đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 và những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Quỳnh Trần)

Đồng thời, đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải thiện môi trường công vụ đủ sức hấp dẫn và giữ chân nhân lực chất lượng cao cho khu vực công.

Ngoài tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu thí điểm cán bộ làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp. Điều này áp dụng với cán bộ làm ở các vị trí không tiếp xúc người dân, đảm bảo điều kiện công tác như điện thoại, máy vi tính, máy in, Internet...

Làm việc tại nhà hay từ xa cho phép người lao động thực hiện công việc khi ở ngoài văn phòng của đơn vị thông qua máy tính hoặc phương tiện khác kết nối Internet.

Mô hình này được nhiều tổ chức áp dụng khi công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt lúc Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên hình thức này đặt ra thử thách cho người quản lý vốn quen thuộc với cách làm việc truyền thống.

Đến cuối năm 2022, TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng 19.059 cán bộ, công chức, viên chức làm việc các cơ quan. Thành phố chưa có số liệu thống kê cán bộ, nhân viên làm việc ở vị trí không tiếp xúc người dân.

Trong dự thảo đề án nói trên, TP. Hồ Chí Minh sẽ thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý nhằm giảm áp lực cho cán bộ làm những nhiệm vụ chuyên môn chính được giao. Thành phố tiếp tục xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc... làm việc trong bộ máy Nhà nước.

Phong Vân