Xác định giáo dục và đào tạo là động lực quan trọng để phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới căn bản công tác quản lý cũng như đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ phương pháp, nội dung chương trình học; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.

Do vậy, việc xây dựng, triển khai Đề án thực hiện chỉ tiêu 4.500 phòng học là một nhiệm vụ rất cấp thiết, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo của thành phố; đồng thời đây cũng là công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Mục tiêu đến năm 2025, thành phố đạt được số lượng 4.500 phòng học ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông.

Qua rà soát, tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2023-2025 gồm 277 dự án với mức đầu tư khoảng hơn 32.200 tỷ đồng, xây mới 5.934 phòng học.

Đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện cũng như tình hình cụ thể của từng dự án, từng địa phương, Đề án sẽ tập trung vào 04 nhóm dự án.

Nhóm đầu tiên gồm 118 dự án với 2.872 phòng, là các trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn từ 2016 tới 2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Nhóm 2 là các công trình mới có tính khả thi, có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư dù chưa nằm trong kế hoạch đầu tư. Nhóm này có 76 dự án với 1.357 phòng học. Thành phố cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư để khởi công các trường thuộc nhóm này trong năm 2024, hoàn thành vào năm 2025.

Nhóm 3 gồm 83 dự án với 1.705 phòng. Đây là những công trình thuận lợi về pháp lý, đất đai, có thể tháo gỡ các vấn đề liên quan để đẩy nhanh đầu tư.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh dự kiến kêu gọi xã hội hóa 110 dự án với hơn 2.300 phòng học, số vốn lên đến hơn 541.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng, quản lý, vận hành), cho vay kích cầu, đầu tư xã hội hóa.

Hoàng Bách