Quả ngọt chờ… bằng tháng, bằng năm

Gần chục năm gắn bó với trẻ tự kỷ, đó cũng là ngần ấy thời gian cô Nguyễn Thùy Hương, trường Mầm non Cầu Vồng Xanh (Đống Đa, Hà Nội) gắn bó với hàng trăm câu chuyện về những đứa con đặc biệt của mình.

Lần đầu tiên gặp cô tại phòng khám của khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi đã khá bất ngờ khi biết cô là giáo viên không phải nhân viên y tế. Cô học cách xoa bóp, trò chuyện với trẻ tự kỷ trong quá trình trị liệu. Đó là cách mà cô giáo này thêm kiến thức để hỗ trợ những “đứa con” của mình.

Trong câu chuyện chia sẻ của cô, những vất vả khó khăn có nhưng dường như nó chẳng thấm gì với sự chia sẻ, thấu hiểu và mong mỏi sự chung tay của gia đình, cộng đồng giúp đỡ các số phận trẻ thiếu may mắn này.

Trải lòng của giáo viên “vượt sóng” cùng trẻ tự kỷ - Hình 1

Các thầy cô dạy trẻ tự kỷ đã cố gắng để giúp đỡ các con làm từng việc nhỏ nhất: Phân biệt màu, các động tác vận động đơn giản nhất…

Cô Hương chọn cách gắn bó với ngôi trường đặc biệt, trường dạy trẻ tự kỷ, con đường mà ít người gắn bó với sư phạm chọn. Dạy trẻ bình thường khó một thì dạy trẻ tự kỷ khó hơn cả nghìn lần. Một việc làm rất nhỏ, một từ rất đơn giản với các con phải mất rất, rất nhiều thời gian mới có thể làm thành thạo.

Dẫn tôi lên các phòng học của trường, vừa đi cô vừa chia sẻ về những tâm sự của các thầy cô dạy trẻ tự kỷ. Tất cả khoảng không ở phần cầu thang mỗi tầng, chúng đều được căng bởi các tấm lưới màu đỏ sặc sỡ. Những tấm lưới này đảm bảo rằng trẻ luôn được an toàn. Mỗi phòng học chức năng như phòng vận động, phòng can thiệp theo giờ được chia riêng cho từng lứa học sinh.

Vừa bước vào phòng học can thiệp theo giờ, cô Hương nhẹ nhàng gọi một bạn tên Thóc, đứa bé nhanh chóng thốt lên: “Con chào mẹ Hương”. Thóc đã gắn bó với ngôi trường này được nhiều năm và cô Hương cũng nhớ được câu chuyện về Thóc như một thành viên trong chính gia đình cô vậy.

Cô nhớ tên từng em và hoàn cảnh của mỗi con. Đó cũng là một cách để cô giúp đỡ các con học tập tại trường tốt nhất. Cô chia sẻ với tôi về hoàn cảnh của một cậu nhóc gắn bó khá lâu với ngôi trường. Chỉ có điều, khi cậu bé học tập tại đây, nhà trường phải hỗ trợ toàn bộ tiền học phí cho con.

Câu chuyện của bé thật buồn. Nó là một lát cắt vỡ vụn của gia đình có con bị mắc chứng tự kỷ. Bé 5 tuổi nhưng không sống cùng bố mẹ. Bố mẹ em đã ly hôn sau khi có kết luận chính xác về tình trạng tự kỷ của con.

Hàng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, hình ảnh một người phụ nữ đã ngoài 60 lũi cũi chở Tôm đến trường đều đặn. Người phụ nữ này là bà ngoại của em. Với em, các cô giáo ở đây phải nỗ lực hàng nghìn lần để giúp con tiến bộ.

“Sự tiến bộ của các con với chúng tôi không phải tính bằng ngày, bằng tuần mà nó là cả tháng, cả năm. Chúng tôi vui mừng khi các con được ra trường nhưng kèm theo đó là sự lo lắng.

Bởi, khi các con ỏ đội tuổi ngoài 10, chúng tôi không biết thành quả ở đây có được duy trì, tiếp nối. Các con sẽ học ở đâu, chơi cùng ai khi mà chúng ta chưa có môi trường phù hợp, chưa có giáo viên chuyên biệt cho trẻ tự kỷ ở độ tuổi này?”, cô Hương nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi.

Câu hỏi của cô Hương cũng là điều mà rất nhiều bậc cha mẹ, giáo viên dạy trẻ tự kỷ băn khoăn.

Nỗ lực lan tỏa...

Theo tìm hiểu của PV, đa số các trưởng dạy trẻ tự kỷ ở Việt Nam hiện nay đều là trường tư; để tìm được một cơ sở dạy trẻ tự kỷ ngoài 10 tuổi là vô cùng hiếm hoi. Vì vậy, để cho các con thêm cơ hội phát triển, không gì bằng xã hội phải hiểu biết rõ về trẻ tự kỷ. Đó là cách mà cô giáo Nguyễn Thùy Linh, Trung tâm Giáo dục Chuyên biệt Phú An (Long Biên, Hà Nội) đang làm.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung Ương, bạn bè, người thân ít ai nghĩ được cô giáo trẻ sẽ gắn bó với việc dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ. Cô Linh tâm sự: “Chúng tôi mong muốn trao đi yêu thương, nhận lại yêu thương. Các con cần phải được đến trường và được giáo dục đúng cách.

Đặc biệt khi xã hội còn hạn chế nhận thức về tự kỷ, tôi cầu mong các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ hãy thấu hiểu con mình và đồng hành cùng con mình bằng sự hiểu biết, tận tâm, và khôn ngoan để tẩy chay những tà tâm, dã tâm trục lợi trên nỗi đau của trẻ tự kỷ và gia đình họ".

Ngoài những giờ lên lớp, làm quản lý tại trung tâm, cô Nguyễn Thùy Linh còn tham gia làm tình nguyện viên chương trình nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ “Tôi đã hiểu còn bạn?”. Mỗi chuyến đi, mỗi chương trình gặp gỡ, chia sẻ hiểu biết về trẻ tự kỷ là cơ hội để cô Linh có thể giúp cho mọi người hiểu hơn về trẻ tự kỷ.

“Các thầy cô dạy trẻ tự kỷ đã cố gắng để giúp đỡ các con làm từng việc nhỏ nhất như phân biệt màu, học các động tác vận động đơn giản nhất…Nhưng tất cả chỉ là nền tảng, còn bạn bè cùng trang lứa, người thân, những người sống xung quanh trẻ tự kỷ sẽ là đòn bẩy giúp các con hòa nhập với cuộc sống tốt nhất”, cô Linh nói.

Chỉ cho tôi những chậu hoa, gốc cây do chính phụ huynh của các con đang học tập tại đây dành tặng như lời cảm ơn vì sự nỗ lực “vượt sóng” của các cô, cô Linh vui vẻ bảo: “Những cây non này cũng như chính các con, tất cả sẽ lớn lên bằng tất cả tình yêu thương, chăm chút của thầy cô, gia đình. Chúng ta trao đi yêu thương sẽ nhận về yêu thương”.

Theo GDTĐ