THCL Lên bản Náy, xã Yên Lương (Thanh Sơn, Phú Thọ) những ngày này, chúng ta càng phần nào thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các thầy cô giáo "cắm bản" nơi đây... Vượt qua bao con suối, những con đường dài, hiểm trở là hành trình mà các thầy giáo, cô giáo “cắm bản” đã “cõng chữ” lên non, đến những lớp học ở các bản miền núi, vùng cao xa xôi để “gieo mầm tri thức”.
Nhọc nhằn “cõng chữ” lên non
Đường vào bản Náy, xã Yên Lương ngoằn nghèo, gập gềnh. Để mang con chữ đến với các em học sinh nơi đây, từ khu trung tâm thị trấn Thanh Sơn vào đến điểm trường bản Náy, các thầy cô phải vượt qua hơn 20 cây số. Có đoạn 2 cây số là đường rừng hiểm trở.
Hơn 20 năm, cô giáo Phùng Thị Kim Anh gắn bó với học sinh vùng cao
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Thanh Sơn, cô giáo Phùng Thị Kim Anh (sinh năm 1975) đã thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Chính điều đó đã thôi thúc trong cô ước mơ trở thành một cô giáo, để mang con chữ đến với những em nhỏ vùng cao.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô Kim Anh về công tác tại điểm trường bản Kết Bình, Trường Tiểu học Yên Sơn (Phú Thọ). Hơn 20 năm dạy học, cũng là hơn 20 năm cô giáo Phùng Thị Kim Anh gắn bó với các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản vùng sâu, vùng xa.
Năm 2015, khi được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Yên Lương (Thanh Sơn, Phú Thọ) cô đã tình nguyện lên dạy ở điểm trường bản Náy - một trong những điểm lẻ xa xôi, khó khăn nhất ở huyện vùng cao này.
Chia sẻ về những nhọc nhằn mang con chữ lên vùng cao, cô giáo Phùng Thị Kim Anh nói: “Công tác xa nhà, đường xá đi lại khó khăn, thời gian đầu thấy rất buồn, nhưng mình cố gắng vượt qua. Lâu dần, sinh hoạt, làm việc với người dân, mình cũng quen với nhịp sống ở bản Náy.
Ở đây, không chỉ có thầy cô giáo vượt muôn vàn khó khăn, chính những học sinh Trường Yên Lương cũng phải dậy sớm vượt đèo lội suối để đến lớp. Mùa đông, rét căm căm, nhìn các em tấm áo chưa đủ ấm đến trường mà lòng trăn trở, xót xa. Chính điều đó, càng thôi thúc và giúp người giáo viên như tôi thêm yêu thương, gắn bó và sẵn sàng cắm bản để giảng dạy cho học sinh. Mong sao, sẽ có lớp lớp những học sinh từ điểm trường bản Náy trở thành người có ích cho xã hội,cống hiến cho vùng miền núi Thanh Sơn phát triển, thoát nghèo”.
Điểm trường bản Náy, Trường Tiểu học Yên Lương, hiện có 14 học sinh ở 5 khối lớp. 100% đều là con em đồng bào dân tộc Dao. Điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, hiện điểm trường chỉ có 2 phòng lớp học. Do đó, học sinh phải học ghép lớp: Một lớp ghép trình độ 1-2-3, một lớp ghép trình độ 4-5 và thêm một lớp học của các cháu mầm non.
Do điều kiện còn khó khăn, học sinh vẫn phải học ghép lớp
Những giáo viên cắm bản luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả. Những bữa cơm với rau xanh, với đồ khô có thể dự trữ lâu ngày như muối lạc, muối vừng hay mỳ trắng... đã trở nên quen thuộc. Nếu không có sự nhiệt huyết, quyết tâm cao trong nghề và một tình yêu lớn lao với những em nhỏ vùng cao thì có lẽ, sẽ rất khó khăn để những giáo viên có thể cắm bản "gieo mầm tri thức".
Động lực để các cô giáo quên mọi khó khăn đến và gắn bó nghề với điểm trường bản Náy, chính là sự hồn nhiên, vô tư của các em nhỏ và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc nơi đây.
Học sinh Lê Thị Linh, điểm trường bản Náy, Trường Tiểu học Yên Lương chia sẻ: “Em rất thích được đến trường để học tập và vui chơi cùng với các bạn. Đến trường, em được cô giáo chỉ bảo nhiều điều hay, lẽ phải, được học viết, học toán. Cô giáo hiền hậu dạy học và chăm chút cho chúng em từ việc nhỏ nhất luyện nét chữ đến quan tâm, giúp đỡ chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của học sinh. Em sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ tấm lòng của các thầy cô!.”
Cần chính sách hỗ trợ...
“Trước đây, người dân bản Náy chúng tôi khổ lắm, không có trường cho các cháu đi học. Bây giờ, có trường lớp, các cháu được học hành đầy đủ. Các thầy cô giáo ở dưới trung tâm lên đây dạy học chu đáo, nhiệt tình, chúng tôi rất trân trọng và quý mến. Bà con dân bản chỉ mong sớm có con đường "ra đường" để các cô đi lại đỡ vất vả, yên tâm công tác, mang tri thức đến cho trẻ vùng cao”, bà Bàn Thị Cúc, người dân Bản Náy, Xã Yên Lương, bày tỏ.
Bản Náy là bản nghèo, đường xá đi lại khó khăn nhất của xã vùng cao Yên Lương. Cả bản hiện có 46 hộ dân (dân tộc Dao) sinh sống. Trước đây, ở bản không có trường lớp học. Người dân bản Náy đa phần đều không biết chữ. Những năm 1998 - 1999, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân bản Náy đã có điểm trường. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Phòng, lớp học bằng tranh tre, nứa lá. Nền nhà, sân trường bằng đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội.
Cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền...
Đầu năm 2015, điểm trưởng bản Náy đã có 03 phòng lớp học được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô giáo và học sinh yên tâm giảng dạy, học tập. Đặc biệt, tháng 9/2016, cô giáo Phùng Thị Kim Anh cùng với các đồng nghiệp, Huyện đoàn Thanh Sơn đã đứng ra vận động, kêu gọi quyên góp để lát gạch, đổ bê tông toàn bộ sân trường với tổng kinh phí xây dựng gần 50 triệu đồng.
Ông Bàn Văn Mến, Trưởng bản Náy, Xã Yên Lương xúc động: Bản Náy chúng tôi trước đây không có trường, có lớp, đa phần người dân đều không biết chữ. Kể từ khi có trường, có lớp, người dân đã thay đổi nhận thức, quan tâm đến việc học hành. Bây giờ, có trường lớp, sạch sẽ, người dân rất phấn khởi.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Lương cho biết: Trường tiểu học Yên Lương hiện có 2 điểm lẻ, trong đó điểm trường ở bản Náy là xa xôi, khó khăn nhất. Trong những năm qua, các cô giáo ở đây đã có nhiều cố gắng, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Các em học sinh được đến trường, học hành trong điều kiện tốt hơn.
Biết rằng, trên con đường "gieo chữ" nơi bản làng vùng cao của các thầy cô giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề, yêu trẻ lớn lao, những người giáo viên cắm bản vẫn luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đem con chữ “gieo mầm tri thức”.
Để học sinh vùng cao được đến trường học tập ở môi trường khang trang, đầy đủ; để người giáo viên thêm động lực và tâm huyết “cắm bản”, cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ đặc biệt của các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức xã hội cùng chung tay xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho các bản làng miền núi, vùng cao.
Hoan Nguyễn