Được đánh giá là trạm dừng nghỉ tiêu chuẩn cao cấp nằm trên đường Cao tốc Ninh Bình hướng đi Cao Bồ, Cầu Giẽ thuộc địa bàn Ninh Tôn, Ninh Phú, Ninh Bình, trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm được biết đến là một khu vực rộng rãi với quy mô khoảng 10ha, tích hợp đầy đủ dịch vụ như: trạm xăng dầu, vệ sinh, ăn uống, mua sắm tiện ích, với tiêu chuẩn cao. Mỗi ngày trạm này đón hàng nghìn lượt khách ra vào tấp nập.

Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm (Ninh Bình)
Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm (Ninh Bình)

Tháng 2/2023, trạm dừng nghỉ này đã bị Cục Quản lý thị trường (QLTT) Ninh Bình phạt hành chính gần 200 triệu đồng vì bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng vi phạm hàng hóa kinh doanh tại đây vẫn tái diễn và có phần nhiều hơn, như chưa từng có bóng dáng của lực lượng chức năng lui tới kiểm tra. Hãy cùng phóng viên của tạp chí Thương hiệu và Công luận mục sở thị tình trạng này.

Hàng hóa nhập khẩu “tù mù” thông tin

Trong vai một hành khách dừng chân tại trạm Xuân Khiêm, ghi nhận thực tế tại gian hàng mua sắm tiện ích, nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền bày bán tại đây được dán tem cũng như in ấn tem nhãn với nội dung được ghi đúng theo quy định của pháp luật như: Nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo...

Ngoài những sản phẩm, sản vật đa dạng từ các địa phương được bày bán tại đây, chủ cửa hàng mua sắm tiện ích tại trạm dừng nghỉ này còn khéo léo “cài” thêm các sản phẩm ngoại nhập khác. Ghi nhận tại quầy bán đồ lưu niệm, phóng viên quan sát được những bất thường liên quan đến hàng hóa tại khu vực này.

Theo đó, khu vực này đang được bày bán rất nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em hầu hết đều có dấu hiệu nhập ngoại bởi trên bao bì ghi thông tin sản phẩm bằng chữ Trung Quốc, với giá được niêm yết từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng một sản phẩm. Điều ngạc nhiên là trên bao bì sản phẩm đều không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định hiện hành, không rõ thông tin đơn vị nhập khẩu, đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Nhiều sản phẩm đồ chơi nhập ngoại không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt
Nhiều sản phẩm đồ chơi nhập ngoại không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt

Cũng tại khu vực bán đồ lưu niệm, một kệ bày rất trang trọng, bên trên đặt nhiều các sản phẩm túi xách, trên tem nhãn của sản phẩm ghi hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc mà không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Đáng chú ý, mẫu mã hình dáng của một số sản phẩm in theo hoa văn, họa tiết giống như các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới như LV, GUCCI,…

Tương tự, tiếp tục di chuyển đến quầy bán đồ công nghệ chuyên về các sản phẩm máy massage nhập khẩu, phóng viên cũng ghi nhận được tình trạng tương tự. Trên bao bì sản phẩm ghi tiếng nước ngoài, xuất xứ hàng hóa được ghi “made in china”, tuy nhiên tìm kiếm thông tin về sản phẩm, đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm sản phẩm bằng tiếng Việt thì hoàn toàn không có.

Túi xách thời trang với kiểu giáng, màu sắc nhái các mẫu của những thương hiệu nổi tiếng thế giới
Túi xách thời trang nhập ngoại không rõ thông tin đơn vị nhập khẩu với kiểu giáng, màu sắc gần giống các mẫu của những thương hiệu nổi tiếng thế giới

Pháp luật quy định những gì?

Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Riêng đối với sản phẩm đồ chơi trẻn em, nhiều chuyên gia khuyến cáo, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.

Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.

Cũng tại Quy định về Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Việc kiểm tra và xử phạt đối với các vi phạm về hàng hóa tại trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm đã diễn ra, tuy nhiên cho tới nay, tình trạng vi phạm nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vẫn tái diễn và có phần “nhờn luật”. Từ những thông tin trên, đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm (nếu có), nhằm đảm bảo tính minh bạch thị trường cũng như bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Tạp chí Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin thêm về vấn đề này.

Tâm An