Theo đại biểu Tùng, sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đánh giá là động lực phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Bộ. Hiện lưu lượng xe đi trên tuyến cao tốc này lên tới hơn 35.000 lượt xe mỗi ngày, chiếm hơn 45% tổng lưu lượng trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5.
Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được khởi công vào tháng 9/2008 và hoàn thành tháng 12/2015
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, từ khi triển khai dự án tới nay đã 10 năm nhưng các khoản Nhà nước cam kết hoàn trả cho nhà đầu tư vẫn chưa được thực hiện. Trong khi ấy, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) trước đó đã phải vay 4.069 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2008 - 2010. Trong số này, số tiền chuyển cho Hà Nội 882 tỷ đồng, Hưng Yên 788 tỷ đồng, Hải Dương 992 tỷ đồng và Hải Phòng là 1.397 tỷ đồng
Đại biểu đoàn Hải Phòng cho biết, việc không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.
"Chính phủ cũng đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn các dự án quan trọng quốc gia cho dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Đề nghị Quốc hội cân đối ngân sách với tỷ lệ phù hợp để bố trí cho dự án tháo gỡ khó khăn", ông nói.
Ý kiến trên của đại biểu Hải Phòng nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ các vị đại biểu khác. Trong khi đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đồng tình thì đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liệu) bày tỏ ý kiến trái ngược.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, việc trả nợ cho dự án cao tốc cũng là vấn đề khẩn cấp nhưng cần bố trí 8.000 tỷ đồng cho công tác xử lý phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Số tiền còn lại, khoảng 2.000 tỷ đồng có thể dành cho dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Trước đó, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, việc dành một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn 10.000 tỷ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ là khả thi, thuộc nghĩa vụ của ngân sách Trung ương, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Giải trình thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng khoản vay trên được Chính phủ cam kết trả và đã có ý kiến của Bộ Chính trị, chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó.
Kết luận tại buổi thảo luận, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ vì sao thay đổi phương án tài chính. Đây là mấu chốt Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần để lại làm rõ thêm, hiện Ủy ban Thường vụ không bác bỏ.
Trước đó, Thủ tướng quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã kêu gọi nhà nước và tư nhân cùng làm theo mô hình PPP. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn, không đủ vốn đầu tư tuyến đường theo hình thức PPP nên dự án được đầu tư theo cơ chế thí điểm.
Theo đó, phần tham gia vốn nhà nước vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây tuyến đường.
Tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngân sách nhà nước sẽ bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay tất cả nguồn kinh phí trên vẫn chưa được hoàn trả cho nhà đầu tư. Dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư.
PV