Sáng 3/6/2019, Quốc hội thảo luận về chương trình giám sát năm 2020 với 2 nội dung dự kiến về phòng chống xâm hại trẻ em và việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài 2 nội dung trên, một số đại biểu đã đề nghị giám sát về các lĩnh vực như môi trường, y tế, báo chí...

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị giám sát việc các tổ chức, cá nhân cản trở tác nghiệp báo chí - Hình 1

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) 

Bày tỏ sự thống nhất với 2 chuyên đề mà Quốc hội đề xuất, đại biểu Lê Thanh Vân, kiến nghị  “một vấn đề lâu nay chúng ta ít quan tâm đó là lĩnh vực báo chí”.

Đại biểu Lê Thanh Vân nhận định, lâu nay việc giám sát hoạt động báo chí chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Vân ghi nhận hoạt động báo chí vừa qua đã có đóng góp quan trọng vào đời sống kinh tế - xã hội. Công tác quản lý báo chí, cơ bản cũng đảm bảo yêu cầu. Nhưng thực tế, vẫn có nhiều trường hợp quyền tác nghiệp của phóng viên bị xâm phạm.

Theo đại biểu, tại không ít nơi đã xảy ra tình trạng ngăn cản phóng viên hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật, né tránh điều trần trước báo chí và cá biệt có nơi còn cản trở, hành hung phóng viên...

“Trên thực tế, có những trường hợp, tình huống không thể không giám sát. Trước hết, quyền tác nghiệp của phóng viên. Nhìn chung, các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có trách nhiệm, về cơ bản đã tôn trọng quyền tự do tác nghiệp của phóng viên. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi, cá nhân ngăn chặn, né tránh sự điều trần của báo chí, cá biệt có những nơi ngăn cản, hành hung phóng viên”, đại biểu Vân bày tỏ.

PV