THCL Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 60 trẻ em bị ho gà, trong đó 5 trẻ đã tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh. Bộ Y tế cảnh báo người dân về nguy cơ bùng phát bệnh ho gà và các biện pháp phòng tránh.

Trẻ bị ho gà: Chớ coi thường! - Hình 1

Nhiều trẻ nhập viện

Tại BV Nhi TW, các bác sỹ đang điều trị cho bệnh nhi N.T.T. (2 tuổi, ở Hà Nội) bị ho gà nặng. Các bác sỹ phải lọc máu và sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể (còn gọi là ECMO). Đây được xem là cách tốt nhất điều trị ho gà hiện nay.

Bác sỹ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực (BV Nhi TW) cho biết, trường hợp này vào viện với các dấu hiệu ho gà khá rõ ràng như khó thở, rút lõm lồng ngực, phổi ran rít, ho thành cơn sặc sụa, tím tái trong cơn ho... Trẻ nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, điều trị tăng áp phổi, hít khí NO, sau đó được thay máu nhưng tình trạng vẫn nặng hơn, huyết áp tụt, có dấu hiệu ngừng tim phải ép tim.

Sau khi được cho dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, huyết áp, nguy cơ tử vong của bệnh nhân vẫn rất cao. Các bác sỹ quyết định sử dụng phương pháp cuối cùng là kỹ thuật ECMO. Sau 6 ngày được hỗ trợ ECMO, hiện tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, tình trạng nhiễm khuẩn giảm dần.

Cũng tại BV Nhi TW, bé. N.V.D (ở Hải Phòng) đang được điều trị bệnh ho gà. Người nhà cho biết, trước đó, cháu xuất hiện từng cơn ho rũ rượi, tiếng thở rít. Sau cơn ho, bé xuất hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở. Khám tại BV tư nhân, cháu được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị hơn 1 tuần. Tuy nhiên, do bệnh tình không thuyên giảm, trẻ được chuyển đến BV Nhi TW. Sau thăm khám và chụp X quang phổi, các bác sỹ nhận thấy cháu có bội nhiễm viêm phế quản, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, xét nghiệm dịch mũi họng cho kết quả dương tính với trực khuẩn ho gà.

Theo PGS. TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TW, thời điểm này, số ca được chẩn đoán ho gà gia tăng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, những tháng đầu năm, do thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao nên các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh ho gà, số trường hợp mắc tập trung ở 2 - 3 tháng tuổi, do chưa được tiêm chủng.

Bệnh lây lan nhanh

Nhiều phụ huynh rất lo lắng bởi ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thời gian ủ bệnh dài (1 - 2 tuần), khó nhận biết sớm, lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TW) cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Nguyên nhân do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis - theo đường hô hấp, sau đó trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của thanh quản, khí quản. Những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt khiến vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Theo bác sỹ Lâm, khi trẻ bị ho gà, ban đầu sẽ chảy mũi, ho nhẹ về đêm. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa, tím tái, kiệt sức, biếng ăn. Nếu không được điều trị kịp thời, ho gà dễ để lại những biến chứng nguy hiểm, có thể bị viêm não. Trẻ bị biến chứng sẽ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật, nguy cơ tử vong rất cao…

Theo Cục Y tế dự phòng, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

 Phụ huynh, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cần cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được bác sỹ khám và điều trị sớm nhằm tránh nguy cơ bị biến chứng. Cách tốt nhất để dự phòng ho gà là tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc vaccine Quinvaxem.

Tuệ thư