Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, phóng viên nêu câu hỏi, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn thuế GTGT, có doanh nghiệp phản ánh nhiều quy định hoàn thuế chưa hợp lý, ví dụ như quy định xác minh nguồn gốc hàng hóa, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nguồn tiền. 

Vậy, trách nhiệm chậm hoàn thuế thuộc cơ quan nào? Tổng số tiền hoàn thuế chưa được hoàn là bao nhiêu? Nên chăng chúng ta cần có quy định rõ ràng về thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa - Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa - Ảnh: VGP.

Muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể

Về nội dung câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biêt, về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng, hiện nay đã có quy định trong Luật Quản lý thuế, chia rõ ra 2 trường hợp: Hoàn trước-kiểm sau và kiểm trước-hoàn sau.

Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn trước-kiểm tra sau thì quy định là 6 ngày. Còn đối với kiểm tra trước-hoàn sau, quy định là 40 ngày.

Tình hình cụ thể hiện nay, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế. Trong các trường hợp hoàn thuế vừa nêu, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm 1 là hoàn trước-kiểm sau; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước-hoàn sau.

Với câu hỏi nếu chậm hoàn thuế thì trách nhiệm thuộc về ai, muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về doanh nghiệp, người dân, chúng ta cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân do đâu. 

"Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan nhà nước, cơ quan thuế, tôi cho rằng, một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa". Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.

Theo ông Chi, trước hết, chúng ta cần phải rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, xét điều gì chúng ta có thể cải tiến được, thay đổi được, rút ngắn quy trình này lại, vừa bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ba giải pháp

Về các giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, ngành thuế đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp, từ đó phân tích các dữ liệu để sàng lọc và chủ động xử lý những doanh nghiệp có rủi ro trước, giảm đi những doanh nghiệp phải kiểm trước rồi hoàn sau. 

Vừa qua, có công ty chỉ kinh doanh yến sào nhưng trong một thời gian rất ngắn xuất hóa đơn với doanh thu trên 30.000 tỷ đồng. Khi đã có số liệu rồi thì cơ quan thuế phân tích kiểm tra trước. Rõ ràng hợp pháp và hợp lý thì doanh nghiệp này được hoàn thuế rất nhanh.

Giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực cho cán bộ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan thuế, đồng thời cũng nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong hiểu biết các quy định về pháp luật của ngành thuế. Chủ động, tự giác thực hiện các quy định của ngành thuế trong tài chính, trong thuế, đặc biệt là trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Giải pháp thứ ba là nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ thuế. Bộ Tài chính chỉ đạo nghiêm việc phải thực hiện đúng các quy trình, quy định của pháp luật, không được gây khó khăn cho doanh nghiệp khi hoàn thuế, đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm nếu như các doanh nghiệp có vi phạm, gian lận trong quá trình hoàn thuế giá trị gia tăng.

Trang Nguyễn