Đặt Mỹ vào thế bị động
Trong tuyên bố đầu năm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ tiến tới sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa trong năm 2018. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng còn phát tín hiệu về một chiến lược mới, đó là đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc với hy vọng gây ra chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn tồn tại suốt 7 thập niên qua.
Giới phân tích Mỹ cho rằng ông Kim Jong-un có lẽ cảm nhận được những căng thẳng âm ỉ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nên đã kêu gọi đối thoại khẩn cấp giữa hai miền Triều Tiên trước khi khai mạc Thế vận hội Mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng tới.
Người dân tại Seoul, Hàn Quốc xem tin tức về thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 1/1
Mối quan hệ Mỹ-Hàn đã rơi vào trạng thái căng thẳng suốt mấy tháng qua do ông Moon, một chính khách thuộc phái tự do, chủ trương mở cửa kinh tế và ngoại giao với miền Bắc trong khi ông Trump lại hối thúc gây áp lực đối với Triều Tiên bằng cách tăng cường bao vây trừng phạt.
Trong mấy tháng gần đây, ông Moon cũng chọc giận ông Trump và các phụ tá trong Nhà Trắng bằng tuyên bố rằng ông bảo lưu cái gọi là quyền phủ quyết trước bất kỳ hành động tấn công phủ đầu nào của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Sự thay đổi đột ngột trong giọng điệu và chính sách, hướng tới đàm phán song phương giữa hai miền Triều Tiên, cho thấy ông Kim Jong-un nhận thấy có cơ hội để khoét sâu thêm rạn nứt giữa ông Moon và ông Trump, đánh cược rằng Mỹ sẽ không thể gây thêm áp lực lên Triều Tiên nếu như không nhận được sự ưng thuận của Hàn Quốc.
Tờ The New York Times cho rằng canh bạc này có thể có hiệu quả. Vài giờ sau bài phát biểu của ông Kim Jong-un, văn phòng của ông Moon hoan nghênh đề xuất của Triều Tiên bằng những từ ngữ có thể đổ thêm dầu vào căng thẳng với Mỹ. Tuyên bố của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh đến vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Trái lại, ông Trump theo đuổi chủ trương cứng rắn hơn, nói rằng không thể có đàm phán nếu như không có dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên từ bỏ việc thử hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh không có đàm phán nếu không có một bản ghi nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải là xóa sổ hoàn toàn và có thể kiểm chứng được khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bị đặt vào thế bị động?
Tác giả cuốn "Ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên" và là học giả Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, ông Robert Litwak nói: "Thời điểm của đề nghị này, cộng với khả năng tấn công nước Mỹ mà ông Kim mới tuyên bố, đang làm thay đổi bài toán. Ông Kim đang nhận thấy có cơ hội hiếm hoi để lôi kéo Hàn Quốc chống lại Tổng thống Trump".
Báo chí Mỹ nhận định cuộc đấu trí ngoại giao diễn ra trong bối cảnh gia tăng mối lo sợ về kho hạt nhân của Triều Tiên. Trong năm qua, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ công nghệ nhanh chóng mà theo họ giờ đây họ có thể tấn công bờ Đông của nước Mỹ bằng tên lửa.
Triều Tiên chưa chứng minh được yếu tố chủ chốt của mối đe dọa hạt nhân, đó là khả năng sản xuất được đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa- song rõ ràng đang ngày càng tiến gần hơn tới khả năng này.
Chính quyền Mỹ đánh giá mối đe dọa này đủ mạnh để Tổng thống Trump nói bóng gió về khả năng triển khai một cuộc tấn công phủ đầu như là một giải pháp cuối cùng.
Lối tư duy này- cũng như những phát biểu hùng hồn từ cả ông Trump lẫn ông Kim- đã khiến Hàn Quốc lo sợ vì nước này sẽ ở ngay đầu chiến tuyến nếu như chiến tranh xảy ra.
Gỡ trừng phạt?
Bình Nhưỡng đưa ra lời đề nghị đàm phán với Hàn Quốc chỉ vài ngày sau khi Washington thuyết phục được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Giới chức Mỹ cho biết thậm chí trước khi Trung Quốc giảm mạnh lượng dầu và các sản phẩm xăng đã tinh chế xuất sang Triều Tiên, đã có tin về tình trạng thiếu nhiên liệu tại nước này. Giá khí đốt ở đây đã tăng 50% trong năm qua.
Theo The New York Times, trong bối cảnh Washington vận động các nước cô lập Triều Tiên, một số quốc gia- trong đó có Mexico, Peru, Kuwait, Myanmar, Tây Ban Nha, Italy và Đức- gần đây đã trục xuất các đại sứ Triều Tiên hoặc giảm số nhân viên ngoại giao Triều Tiên tại nước họ.
Và các quốc gia như Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Kuwait và Qatar cũng đã bắt đầu cho hồi hương lao động Triều Tiên làm việc tại các công trường xây dựng.
Bất chấp sức ép, Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa trong năm 2017
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chính thức ủng hộ việc thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ, coi đây là công cụ để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán giải giáp hạt nhân. Trong mấy tuần gần đây, chính phủ của ông đã giữ hai tàu chở dầu nghi được sử dụng để buôn lậu các sản phẩm xăng dầu đã được tinh chế vào Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Moon cũng nhất trí với Nga và Trung Quốc rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Lời đề nghị hòa bình đột ngột của ông Kim Jong-un có thể khuyến khích cả Nga lẫn Trung Quốc nối lại lời kêu gọi hình thức "đóng băng đổi lấy đóng băng"- nghĩa là Triều Tiên ngừng các vụ thử để đổi lấy việc Mỹ-Hàn ngừng các cuộc tập trận chung. Trong bối cảnh đó, các lệnh trừng phạt sẽ bắt đầu được lắng dịu.
Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng sau khi không đạt được điều gì với người Mỹ, giờ đây Triều Tiên đang tìm cách khởi động các cuộc đàm phán với Hàn Quốc trước rồi sau đó dùng điều đó làm kênh để bắt đầu đối thoại với Mỹ.
Chiến thuật mới của ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ vấp phải không ít khó khăn. Những người theo đường lối cứng rắn ở Hàn Quốc và một số quan chức của Chính quyền Trump cho biết họ lo sợ rằng nếu như đối thoại trên bán đảo Triều Tiên giúp căng thẳng tạm thời lắng dịu, việc thực thi các lệnh trừng phạt có thể cũng sẽ trở nên lỏng lẻo.
Ông Kim Jong-un trực tiếp quan sát một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo
Các quan chức trong Chính quyền Moon lập luận rằng họ nhận thức rất rõ chiến lược của Triều Tiên và họ đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ.
Tuy nhiên, đối với Tổng thống Moon, đàm phán giữa hai miền Triều Tiên sẽ tạo ra một khoảng lặng vô cùng cần thiết, đặc biệt là cuộc đối đầu hạt nhân tạm ngưng trong thời gian diễn ra Thế vận hội và dùng đà này để khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán như vậy rốt cuộc có thể dẫn đến những cuộc đàm phán rộng hơn, mà trong đó Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên để đổi lấy việc nước này ngừng các vụ thử.
Đây được cho là điểm mà mối bất hòa giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể trở nên nghiêm trọng. Trong bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào, Triều Tiên cũng có khả năng sẽ tìm kiếm những nhượng bộ lớn, như là nới lỏng trừng phạt và giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Sau đó, Triều Tiên có thể sẽ tìm cách buộc Washington phải chấp nhận sự thỏa hiệp bằng cách ngỏ ý đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, song không từ bỏ những vũ khí này.
Giới phân tích Mỹ cũng lo ngại Triều Tiên có thể lợi dụng các cuộc đàm phán để làm dịu bớt tác động của những lệnh trừng phạt chứ không hề có ý định chấm dứt chương trình hạt nhân.
Điều này về cơ bản sẽ duy trì nguyên trạng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố là không thể dung thứ.
Đông Triều - Baodatviet