Tổng thống Mỹ Donald Trump tới nay vẫn không hề cho thấy ý định sẽ hòa giải với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thậm chí ngay ngày 3/1, trên trang mạng cá nhân Twitter, người đứng đầu nước Mỹ vẫn đăng tải bình luận chế nhạo khi nhấn mạnh, ông cũng có một nút bấm hạt nhân, song nó lớn hơn và uy lực hơn nhiều, và nút bấm hạt nhân của ông vẫn đang hoạt động” .
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên định chính sách của mình trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Điều này là không hề lạ khi cuộc đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong năm 2017 vừa qua thậm chí có những thời điểm còn gay gắt hơn. Song điều đáng nói là trong thông điệp nhân dịp Năm mới, ông Kim Jong-un đã khiến Mỹ bất ngờ khi lần đầu tiên đưa ra đề xuất đối thoại với Hàn Quốc.
Phản ứng của người đứng đầu nước Mỹ ban đầu là khá ôn hòa, khi viết: “Có thể đây là một tin tức tốt lành, song cũng có thể là không. Chúng ta hãy chờ xem”. Rồi sau đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã ngay lập tức bác bỏ triển vọng về các cuộc thảo luận liên Triều chừng nào nó không hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn gọi đây là “một sự chắp vá”.
Theo ông IIan Bremmer, Chủ tịch Hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, việc ông Kim Jong-un đưa ra yêu cầu đối thoại vào thời điểm hiện nay là bởi ông ấy cảm thấy hiện đã đủ khả năng theo đuổi một tiến trình như vậy sau khi khẳng định, các tên lửa liên lục địa của mình có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ. Nước này vẫn luôn muốn có được một vị thế lớn hơn trên bàn đàm phán.
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 1 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch “gây sức ép tối đa” chống Triều Tiên, thông qua các biện pháp trừng phạt cả song phương và quốc tế kèm theo một cảnh báo quân sự thường xuyên được nhắc lại. Mục đích cuối cùng là cô lập Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao nhằm buộc nước này phải xuống nước về chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ cam kết “sẽ nhấn chìm Triều Tiên trong lửa giận dữ” thì Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đắc cử hồi tháng 5/2017 lại ủng hộ hoàn toàn một cuộc đối thoại với người láng giềng Triều Tiên. Chính vì thế, ngay sau “sự mở lời” của ông Kim Jong-un, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng thảo luận ngay từ tuần tới về sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.
Vậy liệu đây có phải là lựa chọn của Tổng thống Moon Jae-in để Hàn Quốc có thể sống an toàn hơn bên cạnh người hàng xóm từng tuyên bố đã trở thành một một cường quốc hạt nhân và không hề có ý định từ bỏ kho vũ khí của mình hay không?
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, điều này không đúng trong trường hợp này. Có thể, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm cách “thọc gậy” vào mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc: “Nếu hai nước quyết định muốn đàm phán, thì đó là sự lựa chọn của họ. Chúng tôi có một mối quan hệ rất mạnh mẽ với Hàn Quốc, cũng giống như là với Nhật Bản.
Chúng tôi có một liên minh mạnh mẽ tồn tại từ hàng thập kỷ nay. Điều này sẽ không thay đổi. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đang tìm cách làm trệch hướng mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tôi có thể khẳng định rằng điều này sẽ không thể xảy ra.
Chúng tôi rất hoài nghi về sự chân thành của Triều Tiên. Chính sách của chúng tôi không thay đổi, Chính sách của Hàn Quốc cũng vậy, cả hai nước đều ủng hộ một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa”.
Tuy nhiên, đối với Hàn Quốc, nước này không hề nhìn thấy vai trò ưu tiên của mình trong chính sách của Tổng thống Donald Trump, vốn nổi tiếng với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”.
Chuyên gia Ian Bremmer, người mới có cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc cho rằng, có một cơ hội thực sự rằng Hàn Quốc có thể chấp nhận ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ nhằm tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận với Triều Tiên.
Điều này có thể sẽ là một chiến thắng đối với Trung Quốc và là một thất vọng đối với Mỹ, vốn lâu nay vẫn bác bỏ mọi sự đánh đồng giữa sự hiện diện quân sự của nước này tại khu vực với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Các chuyên gia phân tích mặt khác cũng tỏ ra thận trọng khi cảnh báo, những gì diễn ra hiện nay có thể sẽ đi theo hướng tạo ra đột phá, song cũng có thể dẫn tới đối đầu. Và bất kỳ sự tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng và nguy cơ này vẫn rất cao./.
Thu Hoài/VOV-Trung tâm TinTổng hợp