Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tổ chức các cuộc tập trận ở Kamchatka và Primorye, thuộc vùng Viễn Đông, sau cuộc tập trận đổ bộ hồi tuần trước.
Khoảng 1.000 binh sĩ từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia cuộc tập trận, trong đó có việc luyện tập lái xe bọc thép. Thuỷ quân lục chiến Nga được cử tới hai khu vực huấn luyện ở Primorye đã bắt đầu luyện tập tác chiến trên bộ với vũ khí cầm tay.
Nga có đường biên dài 17 km với Triều Tiên, cách không xa khu vực sẽ diễn ra cuộc tập trận.
Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức huấn luyện quân sự tại khu vực này. Các cuộc tập trận diễn ra hồi tháng 2/2016 ở trường bắn Bamburovo.
Nga tuyên bố tập trận trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc hôm qua bắt đầu tập trận không quân chung lớn chưa từng có với 230 máy bay và 12.000 binh sĩ.
Cách đây vài ngày, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là có thể vươn được tới Mỹ, làm dấy lên lo ngại mới về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Lính Nga tập trận gần biên giới với Triều Tiên
Sự tin tưởng
Việc Nga liên tục tập trận trong thời gian gần đây cho thấy, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Nga sẽ không đứng ngoài cuộc. Hay nói thẳng ra, Nga sẽ không đứng yên để Mỹ và đồng minh thỏa sức tấn công Triều Tiên.
Thay vì gia tăng áp lực lên Triều Tiên giống như cách mà Mỹ và đồng minh đang làm, Nga can thiệp vào vấn đề Triều Tiên một cách từ tốn và chậm rãi. Ngay lập tức, Moscow giành được sự tin tưởng của Bình Nhưỡng.
Kết thúc chuyến thăm tại Bình Nhưỡng hôm 1/12, phái đoàn của Nga cho hay, phía Triều Tiên đã bày tỏ sẵn sàng tham gia đối thoại nhưng yêu cầu Moscow phải làm trung gian hòa giải.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Alexey Chepa cho biết: ''Họ (Triều Tiên) tin tưởng Nga, do đó họ chỉ xem xét khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với Nga trong vai trò trung gian''.
Tờ Nikkei nhận định, việc Nga đẩy mạnh trao đổi với phía Triều Tiên là một nước cờ có nhiều khả năng thành công. Động thái này được đánh giá sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với vai trò là trung gian hòa giải chính.
Thay thế vai trò của Trung Quốc
Dưới áp áp lực của Mỹ, Trung Quốc đã từng bước hạn chế xuất khẩu sang Triều Tiên, nhưng đối với Nga thì ngược lại.
Tờ Newsweek ngày 5/12 dẫn nguồn tin cho biết giá dầu tại Triều Tiên đã bắt đầu giảm xuống trong tháng vừa qua nhờ vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga.
Cụ thể, giá dầu diesel đã giảm khoảng 60% từ đầu tháng 11 và giá xăng giảm khoảng 25%. Theo các nguồn tin, một lượng lớn nhiên liệu đã được nhập từ Nga thông qua tỉnh Ryanggang của Triều Tiên.
Hồi tháng 9, hãng tin Reuters và Washington Post của Mỹ từng báo cáo Nga đang giúp đỡ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và cung cấp dầu cho Triều Tiên giữa bối cảnh túi tiền của Bình Nhưỡng đang bị bóp nghẹt.
Ông Kim Jong-un có thể quay sang phía Nga
Tuy nhiên, James Brown, chuyên gia về Nga và Nhật Bản tại ĐH Thiên Phổ (Temple University, Mỹ), nói rằng động thái của Nga không vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
''Việc Nga cung cấp dầu cho Triều Tiên không phải là một chuyện bí mật gì cả. Thật sự Nga hoàn toàn có quyền làm như vậy. Bởi lẽ Nga đã đảm bảo lượng dầu thô cung cấp cho Triều Tiên như đã được nêu trong nghị quyết hôm 11/9'', ông Brown giải thích.
Khi quan hệ Trung-Triều được đánh giá đang gặp nhiều khó khăn sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un có thể quay sang phía Nga.
Triều Tiên ngày càng nhìn nhận tầm quan trọng của Nga trong việc giúp nước này đối phó áp lực từ Mỹ. Moscow đủ khả năng giúp Bình Nhưỡng đạt được một thỏa thuận vừa ý trên bàn đàm phán.
Dương Châu - Baodatviet