Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân: Trung Quốc thay đổi chính sách - Vố đau với Mỹ - Hình 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: ftchinese.

Tờ Financial Times Anh ngày 5/9 cho rằng sau gần 1 năm Triều Tiên lại thử hạt nhân, sức công phá của vụ thử hạt nhân lần này lớn hơn 5 lần vụ thử trước, đã cho thấy quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân không thể đảo ngược của Triều Tiên.

Việc Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa thời gian qua, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, thách thức giới hạn của Trung Quốc và Mỹ, Financial Times Anh đánh giá.
Vụ thử hạt nhân lần này vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Điều "không bất ngờ" là Triều Tiên sớm muộn cũng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 để nâng cao toàn diện năng lực hạt nhân.

Mặc dù bên ngoài đánh giá khác nhau về trình độ công nghệ hạt nhân của Triều Tiên, nhưng ở góc độ công nghệ, Triều Tiên vẫn cần tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 để khả năng tấn công hạt nhân được cải thiện vững chắc.

Trước vụ thử hạt nhân ngày 3/9, quân đội Hàn Quốc cảnh báo, khu vực thử nghiệm ở P'unggye của Triều Tiên có động thái lạ.

Điều bất ngờ là sau khi Triều Tiên bị Liên hợp quốc tiến hành trừng phạt nghiêm khắc hơn sau vài lần thử tên lửa thời gian qua, cộng đồng quốc tế cho rằng Triều Tiên sẽ dừng lại, đến Mỹ cũng cho rằng Triều Tiên hầu như đang tự kiềm chế.

Đáng nói là ngày 3/9 là ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh BRICS do Trung Quốc tổ chức ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng Triều Tiên lựa chọn ngày này để tiến hành thử bom H với sức công phá lớn hơn rõ ràng là để thách thức Trung Quốc và Mỹ.

Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân: Trung Quốc thay đổi chính sách - Vố đau với Mỹ - Hình 2 

Trung Quốc khó xử với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên. Trong hình là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Sina.

Sở dĩ Triều Tiên đáp trả Trung Quốc là do sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 6/8 ra Nghị quyết 2371 tăng cường trừng phạt Triều Tiên, ngày 14/8 Trung Quốc tiến hành cấm toàn diện nhập khẩu than đá, sắt thép, hải sản của Triều Tiên. Đến ngày 25/8, Trung Quốc cấm Triều Tiên lập doanh nghiệp mới ở Trung Quốc, thái độ thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc tích cực hơn nhiều trước đây.

Với các hành động này, Triều Tiên chắc chắn cho rằng Trung Quốc đang phối hợp với Mỹ để "bao vây" Triều Tiên. Vì vậy, Triều Tiên lựa chọn ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2017 để thử bom H là để tỏ thái độ với Trung Quốc, khẳng định họ sẽ không khuất phục trước sức ép của Trung Quốc.

Triều Tiên còn bất mãn với Mỹ. Để đáp trả Triều Tiên nhiều lần thử tên lửa, Mỹ và Hàn Quốc đã "thao túng" Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Thậm chí đang tiến hành tập trận chung ở vùng biển Hàn Quốc, trực tiếp đe dọa Triều Tiên. 

Vì vậy, Triều Tiên tiến hành thử bom H trong thời điểm này cho thấy họ căn bản coi thường các hành động răn đe của Mỹ.

Nhưng giới quan sát cho rằng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần này có thể dẫn đến các tính toán sai lầm. Bởi vì, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và nhiều vụ thử tên lửa khác của Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ còn tồn tại bất đồng về việc trừng phạt Triều Tiên. Nhưng, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên sẽ thu hẹp rất lớn bất đồng này giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đối với Trung Quốc, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 đã trực tiếp thách thức và phá vỡ giới hạn của họ. Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5, Trung Quốc đã vạch ra "giới hạn đỏ", tức là không cho phép Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6. Vì vậy, các cơ quan tình báo nhiều lần cho rằng Triều Tiên muốn thử hạt nhân, nhưng cuối cùng không làm mà chuyển sang thử tên lửa, do lo ngại động đến "giới hạn đỏ" này. 

Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân: Trung Quốc thay đổi chính sách - Vố đau với Mỹ - Hình 3

Triều Tiên thử bom H khi Trung Quốc khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2017. Trong hình là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2017 ở Hạ Môn, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Điều này có thể lý giải tại sao chính phủ Trung Quốc muốn đề xướng phương án giải quyết "cùng tạm dừng", kiên quyết phản đối Mỹ sử dụng vũ lực, phản đối Liên hợp quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt đe dọa dân sinh của Triều Tiên. Trung Quốc lo ngại điều đó sẽ kích động Triều Tiên.

Thực ra, chỉ cần Triều Tiên không tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, Trung Quốc sẽ không làm tổn thương căn bản Triều Tiên trong vấn đề trừng phạt. Đây là giới hạn của Trung Quốc.
Về khách quan, chính phủ Trung Quốc đã hết sức nỗ lực để bảo vệ lợi ích của Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc đành bó tay với việc Triều Tiên không ngừng thử tên lửa, nhất là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thậm chí đe dọa dùng tên lửa tấn công Guam. 

Điều này làm cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng bất mãn với Trung Quốc, gây sức ép để Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên, làm cho Triều Tiên cảm thấy Trung Quốc và Mỹ hợp tác để đối phó họ.

Đối với Triều Tiên, Trung Quốc đã không thể chịu được sức ép của Mỹ và gia nhập hàng ngũ đối phó Triều Tiên do Mỹ đứng đầu, thì "giới hạn đỏ" do Trung Quốc vạch ra (Triều Tiên không được thử hạt nhân lần thứ 6) căn bản đã không có hiệu lực. 

Việc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 như dội gáo nước lạnh vào Trung Quốc, là sự bùng nổ của bất mãn và giận dữ, làm cho Trung Quốc vô cùng khó xử. Điều này không chỉ cho thấy sáng kiến "cùng tạm dừng" chỉ là mong muốn của riêng Trung Quốc. 

Hơn nữa sau vụ thử lần này, Trung Quốc sẽ không còn lý do để phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Thậm chí, Bắc Kinh chỉ có thể đứng nhìn Hàn Quốc nhập vũ khí hạt nhân. Đây chính là hậu quả trong thực hiện chính sách Triều Tiên của Trung Quốc.

Điều này buộc Trung Quốc phải từ bỏ chính sách mơ hồ đối với Triều Tiên trước đây, phải lựa chọn giữa "che chở" cho Triều Tiên hay "ngăn chặn" Triều Tiên.

Dựa trên những tính toán về địa - chính trị, ý thức hệ và nhân tố trong nước, từ lâu Trung Quốc mặc dù miệng phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng về chiến lược lại có xu hướng hỗ trợ Triều Tiên, có biểu hiện dịu đi trong các hành động trừng phạt, gây ấn tượng là ngại đắc tội với Triều Tiên.

Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân: Trung Quốc thay đổi chính sách - Vố đau với Mỹ - Hình 4

Mỹ có thể sẽ ưu tiên phương án quân sự trong vấn đề Triều Tiên thời gian tới. Ảnh: Sohu.

Việc Triều Tiên thử hạt nhân lần này đã thu hẹp rất lớn không gian "mơ hồ" về chính sách Triều Tiên của Trung Quốc, đồng thời đã làm cho Trung Quốc mất đi nền tảng đạo lý để tiến hành "chơi cờ" với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, đã làm giảm khả năng mặc cả với Mỹ.

Tiếp theo, Trung Quốc hoặc là có hành động thực tế để trừng phạt Triều Tiên hoặc là đợi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc, hoặc tệ hơn là tiến hành "tấn công vũ lực" đối với Triều Tiên.

Chính phủ Trung Quốc đã ý thức được điểm này khi nhìn vào hai tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đây và hiện nay. Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 5 năm 2016, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là "chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối", kêu gọi Triều Tiên "chấm dứt áp dụng bất cứ hành động nào làm xấu đi tình hình", nhấn mạnh "kiên trì thông qua hội đàm sáu bên để giải quyết vấn đề liên quan".

Trong khi đó, tuyên bố lần này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mặc dù có nội dung cơ bản tương đồng, nhưng ngữ khí đã mạnh mẽ hơn, vừa "kiên quyết phản đối" vừa "lên án mạnh mẽ", chuyển từ "chấm dứt áp dụng bất cứ hành động nào làm xấu đi tình hình" sang "chấm dứt áp dụng hành động sai lầm làm xấu đi tình hình và không phù hợp với lợi ích tự thân". Đồng thời không tiếp tục nhấn mạnh "thông qua hội đàm sáu bên để giải quyết vấn đề liên quan", mà là kêu gọi Triều Tiên "thiết thực quay trở lại quỹ đạo giải quyết vấn đề bằng đối thoại".

Vì vậy, nếu Triều Tiên không thay đổi lập trường hiện nay thì trong thời gian tới Trung Quốc sẽ áp dụng thái độ và chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên.

Đối với Mỹ, vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên cũng giống như "cú đòn đau" đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau khi Mỹ thúc đẩy Liên hợp quốc đưa ra nghị quyết trừng phạt mới, chỉ vì Triều Tiên không có phản ứng quá khích trong hơn 10 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cho rằng Triều Tiên “rất kiềm chế”.

Triều Tiên thử tên lửa, hạt nhân: Trung Quốc thay đổi chính sách - Vố đau với Mỹ - Hình 5

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Newsweek.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí từng nghĩ là có thể tiến hành đối thoại với Triều Tiên. Nhưng ngay sau đó, Triều Tiên đã phá vỡ sự "cả tin" này bằng cách phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Lần này, Triều Tiên lại tiến hành thử hạt nhân để phản ứng đối với cuộc tập trận của Mỹ - Hàn.

Thông qua hành động thử hạt nhân lần này, chính quyền Donald Trump đã hoàn toàn hiểu được mức độ quyết tâm của chính quyền Triều Tiên. Họ sẽ không dễ dàng tin ông Kim Jong-un nữa. 

Điều này cũng sẽ làm giảm khả năng do dự của chính phủ Mỹ, làm cho sự lựa chọn chính sách của Mỹ trở nên đơn giản: Phải thực sự đặt phương án quân sự lên bàn, xem xét nghiêm túc khả năng tấn công vũ lực Triều Tiên. 

Trước đó, Mỹ mặc dù cũng nói không loại trừ khả năng đánh đòn phủ đầu, nhưng còn coi giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên là lựa chọn ưu tiên. Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, chính quyền Donald Trump mặc dù sẽ không từ bỏ các nỗ lực giải quyết hòa bình, nhưng khả năng lựa chọn chiến tranh sẽ tăng cao.

Tóm lại, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 đã tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đối với Trung Quốc và Mỹ, đã không còn đường lui, nếu không muốn thừa nhận Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân thì phải vứt bỏ những tính toán lợi ích và nghi ngờ lẫn nhau, tăng cường hợp tác.

Đặc biệt, Trung Quốc sẽ phải lo làm sao thoát khỏi cục diện bị động hiện nay. Trung Quốc có thể sẽ tiến hành trừng phạt cường độ cao đối với Triều Tiên như cắt đứt cung ứng dầu mỏ, giảm viện trợ lương thực. Mặc dù làm như vậy sẽ gây thiệt hại cho quan hệ Trung - Triều, cũng không thể ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng không làm như vậy thì không đủ để Triều Tiên nhận ra quyết tâm phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Phong Vân - VietTimes