Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Ngân hàng Thế giới (WB), Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam; Đại sứ, Tham tán thương mại của 16 quốc gia có quan hệ FTA với Việt Nam, các Hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp tập đoàn lớn của Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã có bước tiến trong chuẩn bị thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP) được ký kết vào tháng 3 năm 2018 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 12 tháng 11 năm 2018 để chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Toàn cảnh Diễn đàn
Ngoài ra, Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách Hiệp định bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA vào tháng 6 năm 2018 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này…
Bối cảnh trên thế giới và khu vực hiện tại, kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; quá trình Brexit để nước Anh rời khối EU.. đang tạo ra sự bất định chính sách ngày càng tăng, có nguy cơ tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Những sự kiện này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có những phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, chủ động đưa ra các giải pháp cho giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Tại diễn đàn, ông Sudhir Shetty, Trưởng ban Kinh tế, Đại diện Ngân hàng Thế giới Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương lưu ý, căng thẳng thương mại có thể tạo cơ hội chuyển hướng thương mại cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ. Nhưng, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại.
Tiến sỹ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập kỷ gần đây có tác động tích cực rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Tuy nhiên những thành quả của hội nhập thương mại có thể đã không được chia sẻ một các đồng đều trên toàn cầu, một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh có thể đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia.
“Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu”, Tiến sỹ Deepak Mishra nhấn mạnh.
Từ lưu ý này, ông Shetty đã đưa ra gợi ý một số lựa chọn theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, theo đó, Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế; Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, và củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước.
Đại diện WB cũng đề nghị Việt Nam cần cải cách sâu rộng thương mại và đầu tư, bao gồm đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan gây méo mó thương mại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực và toàn cầu, cũng như tăng cường cam kết ủng hộ cải cách hệ thống quản trị thương mại toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho hay, dù hiện tại có một số nhân tố đang ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hội nhập đa phương và khu vực, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ những xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam coi đây là vấn đề mang tính khách quan để có cách ứng phó chủ động và linh hoạt trên cơ sở nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực, đưa những phương án xử lý hợp lý, phù hợp với tình hình trong nước nói riêng và cục diện kinh tế thế giới nói chung.
"Quan điểm của Việt Nam là hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới cần đảm bảo 4 yếu tố: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả", Phú thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định..
Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia đã trình bày các bài tham luận có liên quan đến ngành nghề của mình trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Trúc Mai