Tại Hà Nội, tâm điểm của thị trường trong 2 năm qua dồn về 2 cực Đông - Tây, là Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng (phía Tây) và Gia Lâm, Đồng Anh, Long Biên (phía Tây). Giá đất tại đây cũng nhờ vậy là tăng 30% - 50%, thậm chí tăng gấp đôi so với năm 2019.
Tại các địa phương nằm xa hơn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình hay Vĩnh Phúc cũng đang trở thành "mỏ vàng" của giới đầu tư miền Bắc.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, đất vùng ven tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, vị trí đã được quy hoạch trở thành thành phố mới Thủ Đức đã "sốt" nóng trong suốt năm 2020, nên giá trị đã tăng 50%, có thời điểm tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, đất nền tại Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là khu vực xung quanh dự án Sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai), giá đất cũng tăng theo chiều thẳng đứng.
Theo dự báo của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đất nền ven đô, nhất là đất có sổ đỏ, đất nền đầy đủ pháp lý vẫn sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường bất động sản trong năm 2021.
Giải thích rõ hơn về dự báo này, ông Đính nói: Ở thời điểm hiện tại, 2 phân khúc đáng để đầu tư nhất chính là căn hộ chung cư bình dân và đất nền ven đô, đất nền có sổ đỏ.
Tuy nhiên, trong năm 2021, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn sẽ duy trì trạng thái khan hiếm. Do đó, đất nền ven đô, nhất là các mảnh đất có sổ đỏ sẽ hút dòng vốn rất mạnh trong năm mới.
Nhận định về tiềm năng và cơ hội tăng trưởng của bất động sản, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: Hiện đang có 6 xung lực rất mới sẽ có ảnh hưởng tới thị trường trong năm 2021.
Thứ nhất, thị trường bất động sản đã và đang điều chỉnh rất nhanh và nhạy bén trong thời gian vừa qua. Về kinh tế vĩ mô, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5-7%.
Đến 2030 dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong 10 năm tới ở mức 7%. Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng cao, kéo theo thu nhập bình quân đầu người cũng tăng ở mức 6,5%. Đây là một xung lực lớn cho thị trường bất động sản.
Thứ 2 là xung lực pháp lý, các văn bản pháp luật đã được tinh giản và sửa đổi đáng kể. Trong đó nổi bật là Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, cho phép huy động vốn qua việc thành lập quỹ.
Năm 2021, xung lực từ việc sửa đổi các văn bản này chắc chắn sẽ tác động tốt đến việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản, Luật Đầu tư, Luật PPP cũng được sửa đổi.
Thứ 3 là xung lực từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là 1 địa điểm hấp dẫn. Trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư có tới 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam, trong đó có cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Nói cách khác, Việt Nam thu hút được cả "chim sẻ" và cả "đại bàng".
Thứ 4 là giải ngân vốn đầu tư công. Khi kinh tế suy thoái thì đầu tư công là một kênh tạo ra hệ số lan tỏa cực kỳ lớn, Năm 2020, việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công đã đóng góp khoảng 6,5% tương ứng 0,02 điểm% trong mức 2,91% tăng trưởng năm 2020.
Thứ 5 là xung lực từ chuyển đổi số cực kỳ nhanh và hiệu quả. Trong số các doanh nghiệp bất động sản ngoài việc đầu tư chuyển đổi số để bán hàng, marketing, việc áp dụng công nghệ số cũng là một kênh tốt để huy động vốn.
Cuối cùng là xung lực từ lãi suất. Hiện lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 15 năm, ở mức 8-10% tùy vào thời hạn. Đối với giai đoạn năm 2011-2012, lãi suất cao gấp đôi so với bây giờ. Đây là thời điểm thuận lợi để cá nhân, hộ gia đình mua nhà cửa, kể cả đi vay.
Tuy nhiên, vẫn còn 4 rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản trong năm 2021 được ông Cấn Văn Lực chỉ ra. Đó là, rủi ro pháp lý, mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có tính linh hoạt cao và cũng khá "quen" với rủi ro này để tìm cách vượt qua.
Rủi ro dịch bệnh khi dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Rủi ro về đòn bẩy tài chính, song các doanh nghiệp kiểm soát đòn bẩy tài chính khá tốt, năm vừa qua 300.000 - 400.000 nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán. Nhưng đây chỉ là dịch chuyển dòng tiền chứ không phải đòn bẩy tài chính.
Rủi ro vay nợ khi quy mô nợ gấp 3,5 lần quy mô GDP của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, lãi suất còn thấp thì rủi ro thấp nhưng nếu lãi suất tăng lên thì sẽ tạo rủi ro lớn hơn. Việt Nam vẫn có nền tảng tốt để chống chịu các cú sốc tài chính.
"Tóm lại, năm 2021 cơ hội kinh doanh có rất nhiều nhưng vẫn phải thay đổi phương thức mô hình kinh doanh, áp dụng chuyển đổi số và nắm bắt cơ hội", ông Lực nói.
Trúc Mai