Với việc ban hành văn bản này, vô hình chung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp Bảo hiểm và quan trọng hơn là đã vi phạm nghiêm trọng về Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật cạnh tranh.
Ngay từ giữa tháng 7/2020, Trung tâm quản lý cửa khẩu thuộc Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn ra văn bản số 107/TB –TTQLCK thông báo về việc triển khai thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với các phương tiện vận tải Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Theo văn bản này thì toàn bộ phương tiện của Trung Quốc hoạt động trong khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Việt Nam và đi sâu vào nội địa Việt Nam phải mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Việt Nam do Bưu điện tỉnh Lạng Sơn cung cấp.
Trung tâm quản lý cửa khẩu thuộc Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn vừa ban hành văn bản yêu cầu toàn bộ phương tiện của Trung Quốc hoạt động trong khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Việt Nam và đi sâu vào nội địa Việt Nam phải mua Bảo hiệm trách nhiệm dân sự do bảo hiểm Bưu Điện cung cấp
Cụ thể, khi khách hàng gửi hình ảnh đăng ký xe ô tô qua webchat Zalo tới số điện thoại +84 912 203 688 thì Bảo hiểm Bưu điện sẽ gửi ấn chỉ điện tử qua Webchat Zalo đến khách hàng sau khi đã nhận được tiền phí bảo hiểm của khách hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang web: https://giaychungnhan.pti.com.vn/ theo mã tham chiếu được Bảo hiểm Bưu điện gửi sau khi cấp đơn.
Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm khác dù muốn tiếp cận khách hàng là các chủ xe từ bên Trung Quốc về Việt Nam đều phải rút lui khi bản thông báo này được đưa ra.
Đặc biệt, trong bản thông báo, Trung tâm quản lý cửa khẩu đã ấn định mức phí bảo hiểm 293.000 VNĐ/xe/1 lần xuất nhập cảnh (đã bao gồm VAT). Câu hỏi đặt ra, căn cứ vào biểu phí nào để Trung tâm quản lý cửa khẩu đưa ra mức phí này trong khi mức biểu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại Phụ lục 5 theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính có quy định rõ mức phí cho từng loại xe cơ giới.
Việc ấn định mức phí bảo hiểm của Trung tâm quản lý cửa khẩu liệu có thất thu thuế của Nhà nước hay không khi xe Đầu kéo rơ-moóc tính bằng 150% của phí xe tải trên 15 tấn.
Theo thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 16/02/2016 về Quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới thì tại Điều 8 của Thông tư này nêu rõ: Đối với các xe cơ giới được phép mua bảo hiểm có thời hạn dưới 01 năm theo Quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, mức phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục 5 ban hành theo thông tư này và tương ứng với thời hạn bảo hiểm gi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Ví dụ, đối với mức phí bảo hiểm của xe Đầu kéo rơ-moóc thì chiểu theo mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục 5 sẽ là 400.000 VNĐ/xe/1 lần xuất nhập cảnh.
ảnh minh họaPhụ lục 5 Biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe cơ giới theo Thông tư tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính có quy định rõ mức phí cho từng loại xe cơ giới. Tuy nhiên, Trung tâm quản lý cửa khẩu đã ấn định mức phí bảo hiểm 293.000 VNĐ/xe/1 lần xuất nhập cảnh (đã bao gồm VAT) không phân biệt cho một loại xe nào
Trở lại câu chuyện Trung tâm quản lý cửa khẩu ra văn bản thông báo toàn bộ phương tiện của Trung Quốc hoạt động trong khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Việt Nam và đi sâu vào nội địa Việt Nam phải mua Bảo hiệm trách nhiệm dân sự của Việt Nam do Bảo hiểm Bưu điện cung cấp dấy lên hoài nghi có hay không sự ưu ái? Bởi lẽ, theo Điều 3 của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc chỉ định các tổ chức, cá nhân bắt buộc phải mua Bảo hiểm Bưu điện của Trung tâm quản lý cửa khẩu, Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn có dấu hiệu vi phạm Luật kinh doanh, Luật cạnh tranh.
Khi những công văn dạng theo hướng “chỉ mặt, đặt tên” này được đưa ra thì gần như không chủ phương tiện nào dám làm trái, vì văn bản chỉ đích danh hợp tác với công ty bảo hiểm như trên.
Thực tế, việc cạnh tranh bằng mọi chiêu thức dù vi phạm Luật Cạnh tranh và khiến không ít doanh nghiệp bảo hiểm bị mất thị phần, thậm chí có thể mất toàn bộ địa bàn.
Trước tình hình cạnh tranh không lành mạnh ngày càng có chiều hướng gia tăng, ngày 12/6/2018, Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14, trong đó dành riêng 1 chương về Hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm (Chương VI). Trong đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm được quy định trong Luật gồm: Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của DN khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với DN đó; Cung cấp thông tin không trung thực về DN khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về DN gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của DN đó; Gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN đó...
Từ những nội dung trên, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra làm rõ, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm liên quan đối với những hành vi vi phạm.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Thiên Trường