THCL Trung tuần tháng 8 vừa qua, một khách hàng của Vietcombank bị "bốc hơi" 500 triệu đồng trong tài khoản ATM. Ngay sau đó ít lâu, một khách hàng của ANZ cũng bị "bốc hơi" 31 triệu đồng trong vòng 14 phút…
Hai vụ mất tiền liên tiếp trong tài khoản ATM diễn ra mới đây, không thể khiến người sử dụng các dịch vụ NH lo lắng: Làm gì để không rơi vào tình cảnh "mất bò mới lo làm chuồng"?
Tiền “bốc hơi” chớp nhoáng
500 triệu đồng trong tài khoản ATM tại Vietcombank của khách hàng Hoàng Thị Na Hương đã âm thầm biến mất trong đêm do trước đó, hàng ngày đã truy cập vào đường link dẫn đến một trang web giả mạo.
Theo chị Na Hương, tài khoản của chị có số dư 500 triệu đồng và dự định để chi trả vào sáng 5/8. Tuy nhiên lúc 23g18 ngày 4/8, tài khoản này bị chuyển 100 triệu đồng sang tài khoản khác. Gần 1g sáng 5/8, có 2 giao dịch khác được thực hiện với số tiền 100 triệu đồng. Đến 5g17 sáng cùng ngày, lại có thêm 3 giao dịch chuyển khoản qua Internet banking với số tiền 100 triệu đồng/giao dịch. Tổng cộng, tài khoản của chị Hương bị mất 500 triệu đồng.
“Toàn bộ giao dịch rút tiền diễn ra trong đêm. Đến sáng ra, khi xem thấy các tin nhắn thông báo tài khoản bị trừ tiền trong điện thoại, vị khách hàng này rất hoảng loạn. Mặc dù Vietcombank đã nhanh chóng thu hồi được 300 triệu đồng chuyển trả vào tài khoản khách hàng, song theo chị Na Hương, với một giao dịch lớn như thế, các NH sẽ gọi điện thoại để xác nhận xem có bất thường nào không trước khi thực hiện, nhưng tôi không nhận được bất kỳ cuộc điện thoại nào từ phía NH”, chị Hương bức xúc.
Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tuấn, Phó TGĐ Vietcombank, có tổng cộng 7 giao dịch đã được thực hiện, trong đó có 3 giao dịch chuyển khoản liên NH và 4 giao dịch qua thẻ. Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 NH khác nhau ở Việt Nam. Thời gian chuyển tiền vào ban đêm (NH nghỉ giao dịch) nên khoản tiền vẫn bị treo và NH đã ngăn chặn kịp thời, lấy lại được 300 triệu đồng. Riêng 4 giao dịch trị giá 200 triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã rút qua ATM ở Malaysia.
Vụ “bốc hơi” 500 triệu đồng chưa kịp xử lý rốt ráo thì chỉ vài ngày sau, chỉ trong 14 phút buổi trưa, một chủ thẻ tín dụng của NH ANZ nhận được những tin nhắn báo giao dịch được thực hiện từ tài khoản của mình với tổng giá trị gần 31 triệu đồng. Anh Trương Đức Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trưa ngày 21/8, anh nhận được 11 tin nhắn thông báo có giao dịch được hoàn thành từ ANZ. Khi phát hiện những giao dịch bất thường, anh đã liên hệ với NH yêu cầu khóa thẻ. Tuy nhiên, trong thời gian trao đổi với nhân viên hỗ trợ của ANZ, đã có thêm 4 giao dịch nữa được thực hiện thành công với giá trị cao nhất là gần 7 triệu đồng.
Ngay sau sự việc, ANZ đã tiến hành khóa thẻ của khách cùng ngày, đồng thời tiếp nhận đơn khiếu nại và tiến hành điều tra, xử lý theo quy trình. Dự kiến, thời gian giải quyết cụ thể tối đa là 120 ngày, kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại.
Hãy bảo mật thông tin!
Theo ông Đào Minh Tuấn: “Tại vụ việc của khách hàng Na Hương, vị này đã truy cập vào trang web giả mạo để khai tên đăng nhập và mật khẩu, như vậy bọn tội phạm đã lấy được “chìa khóa nhà” nên có thể toàn quyền sử dụng. Theo điều tra ban đầu của Vietcombank, từ ngày 28/7, chị Hương đăng nhập trang web giả mạo giống hệt trang web của Vietcombank và khai tên đăng nhập cùng mật khẩu. Các đối tượng tội phạm ngày nào cũng đăng nhập vào tài khoản của chị Hương để kiểm tra.
Đến ngày 4/8, khi thấy tài khoản được chuyển vào một số tiền lớn nên đối tượng tội phạm đã dùng các thủ đoạn để lấy tiền trong tài khoản của chị Hương ngay trong đêm. Chúng tôi đã tra soát giao dịch và thấy đối tượng tội phạm nhiều lần đăng nhập vào tài khoản của chị Hương từ những địa chỉ IP khác nhau”.
Ông Tuấn cho biết, ngay sau khi có quyền sử dụng tài khoản, các đối tượng đã lập tức rút tiền ở Malaysia. Điều này cho thấy đây là tội phạm có tổ chức, sử dụng thủ đoạn thuê những người không am hiểu đứng tên mở thẻ ghi nợ nội địa, thậm chí cả thẻ ghi nợ quốc tế (có thể rút tiền mặt ở nước ngoài) rồi mua lại thẻ…
Nhận xét về các vụ "bốc hơi" tiền trong ATM xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại khuyến cáo, các chủ thẻ nên cẩn thận tìm hiểu kỹ để có biện pháp bảo vệ mình, không rơi vào bẫy của bọn lừa đảo. Đặc biệt, không khai báo thông tin cá nhân, tên đăng nhập, mật khẩu vào các trang web, đường link lạ. Chủ thẻ ATM không nên để quá nhiều tiền trong thẻ, khi giao dịch nên cẩn thận kiểm tra máy nơi giao dịch. Nếu không có nhu cầu thanh toán online, chủ thẻ nên khóa chức năng này, khi nào cần mới mở...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ái Dân, chuyên gia về công nghệ NH cho rằng, tại vụ việc của chị Hương, phía NH không thể chỉ lý giải đơn giản nguyên nhân khách hàng bị mất tiền là do chị truy cập trang web giả mạo. Ở đây, có cả lỗi của NH. Vietcombank khẳng định hệ thống của mình luôn an toàn, bảo mật thì tại sao xảy ra sự cố khiến khách hàng mất tiền?
Vấn đề là sau khi xảy ra sự cố, NH phải xử lý để khách hàng yên tâm. Vụ việc tội phạm đã chiếm quyền truy cập tài khoản đã cho thấy, việc bảo mật hệ thống không chỉ Vietcombank, mà rất nhiều NH đang có khiếm khuyết cần phải cải thiện để kiểm soát tốt hơn.
Cao Huyền