Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho biết với mức giá điều chỉnh mới, mỗi khách hàng dùng điện sinh hoạt 0-50 kWh phải trả tiền điện tăng 3.900 đồng. Tương tự, khách hàng dùng từ 51-100 kWh phải trả thêm 7.900 đồng. Ở các bậc 3-5 của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, tiền điện hộ gia đình phải trả tăng 17.200-42.000 đồng. Mức phải trả tăng nhiều nhất là với hộ dùng trên 500 kWh, thêm 55.000 đồng.
Như vậy, đây là lần thứ 2 trong năm giá điện được điều chỉnh. Lần gần nhất là vào tháng 5 khi tăng 3%.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng và các bộ ngành mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chi phí sản xuất điện tính đến tháng 10 tiếp tục biến động mạnh do chi phí đầu vào đang gia tăng rất mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn.
Theo EVN, ước tính cả năm nay, sản lượng phát thực tế của thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh. Nếu so sánh với thực tế đã thực hiện năm 2022, sản lượng thủy điện giảm 22,5 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng 28,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 2,8 tỷ kWh.
Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu. Theo báo cáo, số lỗ 6 tháng đầu năm của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng, còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính chung số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.
Thiên Trường