Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về thuế nhập khẩu bình quân áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Theo đó, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 10% xuống 5,62%, với dầu diesel được giảm xuống còn 0,58%; dầu mazut còn 1,38%. Riêng dầu hỏa không thực hiện điều chỉnh. Đây là hoạt động điều chỉnh hàng quý dựa trên việc kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Mức thuế mới, được áp dụng ngay từ đầu quý III.
Xăng dầu là mặt hàng được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và khu vực, với các mức thuế khác nhau. Do vậy, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu là mức thuế bình quân gia quyền của các quốc gia. Đại điện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, yếu tố chính tác động đến lần giảm thuế này là theo lộ trình giảm thuế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
"Mặt hàng dầu DO đã về 0% từ lâu. Còn đối với mặt hàng xăng, từ năm 2022, còn 10%, bắt đầu đến năm 2023, đối với xăng có nguồn xuất xứ từ các nước Đông Nam Á thì thuế suất giảm xuống 5%. Có những đơn vị phải nhập không có chứng nhận xuất xứ từ ASEAN, do đó vẫn phải chịu thuế suất 10%. Mức thuế bình quân là 5,6% là vì lý do đó", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết.
Tuy nhiên trên thực tế, trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu có rất nhiều loại chi phí. Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này không có quá nhiều tác động đến việc điều chỉnh giá trong thời gian tới.
"Chi phí về thuế này chiếm rất thấp, trên dưới 1%. Nó tùy theo từng thời điểm, từng thời kỳ. Trong giá cơ sở, nó chỉ chiếm tỷ trọng như vậy. Ảnh hưởng chính tới giá cơ sở phải nói tới là giá PLAT (giá quốc tế)", ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phấn đấu tiết giảm chi phí, nâng cao công tác dự báo giá xăng dầu thế giới, đàm phán để có giá mua tốt tại thời điểm hợp lý.
Hồng Nhung(T/h)